Đồng Lộc - ngã ba anh hùng

Tin tức - Ngày đăng : 15:03, 26/07/2012

Hôm nay, cuộc sống đã hồi sinh trên ngã ba Đồng Lộc - "tọa độ chết" trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước...



Tượng đài 10 nữ thanh niên xung phong anh hùng ở ngã ba Đồng Lộc


Giữa những ngày hè nóng bỏng này, lòng ta lại hướng về ngày 27 - 7 - ngày mà cách đây 65 năm, Bác Hồ đã chọn làm Ngày Thương binh (từ năm 1955 được gọi là Ngày Thương binh, liệt sĩ (TBLS). Cũng trong tháng ngày này ta lại hướng đến ngày 24 - 7 - 1968, ngày mười cô thanh niên xung phong (TNXP) đã anh dũng hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc. Những chiến công to lớn và sự hy sinh anh dũng của các cô đã tô đẹp thêm truyền thống lực lượng TNXP và góp phần làm nên một ngã ba Đồng Lộc anh hùng.

Khi nói đến ngã ba Đồng Lộc, nhà thơ Huy Cận đã viết:

"Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta/Bố kể con nghe về Ngã ba Đồng Lộc.../Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi/Con sẽ nhớ đến Ngã ba Đồng Lộc... ".

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngã ba Đồng Lộc là vị trí rất quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của đường 15 với các đường liên tỉnh để nối đường quốc lộ 1A ở vùng đồng bằng và đường mòn Hồ Chí Minh trong dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nhận rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, giặc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt khu vực này từ năm 1965 đến năm 1972. Đặc biệt từ tháng 4 đến tháng 10 - 1968, chúng đã 1.863 lần đánh vào ngã ba này, ném gần 50 nghìn quả bom các loại, chưa kể đạn rốc két và đạn 20mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất là 103 lần máy bay với trên 800 quả bom các loại. Hố bom chồng chất lên hố bom, trung bình mỗi m2 đất, đá có 3 quả bom cày xới, chưa kể các loại đạn phóng từ máy bay xuống, bắn từ tàu chiến dưới biển lên. Bằng mọi giá, chúng định biến ngã ba Đồng Lộc thành "tọa độ chết" để cho nơi đây "trở về thời kỳ đồ đá". Nhưng chúng đã nhầm! Với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!", Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương huy động lực lượng dồn sức cho Đồng Lộc để giải toả điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông. Tại đây, ta đã triển khai lực lượng chiến đấu gồm: Trung đoàn pháo cao xạ 210, Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ Hà Tĩnh, một bộ phận của Tiểu đoàn 30 công binh Quân khu IV. Ban chỉ huy giải toả điểm chốt cũng được hình thành gồm các tổ quan sát, đếm bom, cắm tiêu, tổ rà phá bom, bộ phận ứng cứu cùng với mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự, an ninh khu vực ngã ba. Tổng đội TNXP - P18 do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh điều động và ngành giao thông vận tải phụ trách gồm 7 đại đội từ C 551 đến C 557. Lực lượng ngành giao thông vận tải gồm có: Tổ cơ giới giao thông, 1/2 đại đội chủ lực cầu, 1/2 đại đội chủ lực giao thông, 3 đội công trình số 2, 3, 6 và tổ máy gạt số 1 thuộc Cục Công trình I. Trong quá trình chiến đấu bảo đảm giao thông vận tải ở ngã ba Đồng Lộc còn có sự đóng góp rất to lớn của nhân dân và lực lượng dân quân du kích xã Đồng Lộc và các xã xung quanh vùng trọng điểm này. Hàng vạn người đã được huy động ra mặt trận làm nhiệm vụ giải toả giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình đã nhường nhà, nhường vườn để làm kho, mở đường tránh, đường xế, làm nơi cứu thương. Với khẩu hiệu "Xe chưa qua, nhà không tiếc" nhân dân sẵn sàng dỡ nhà đưa cột kèo, mang ván cửa ra lót đường, chống lầy cho xe qua. Lúc cao điểm, tổng quân số dồn cho mặt trận ngã ba Đồng Lộc lên đến 16 nghìn người.


Hội Con liệt sĩ phường Tân Bình (TP Hải Dương) thắp hương tưởng niệm 10 nữ thanh niên
 xung phong ngã ba Đồng Lộc


Nói đến ngã ba Đồng Lộc, chúng ta không thể quên được 10 cô gái TNXP ở Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Tuổi đời các chị từ 17 đến 24 và chưa ai lấy chồng. Nhiệm vụ chính của các chị là san lấp hố bom, giải phóng mặt đường cho xe qua. Chiều 24 -  7 - 1968, Tiểu đội đang làm nhiệm vụ thì máy bay ập đến ném bom. Cả 10 chị vào hầm trú ẩn. Không may bom rơi trúng hầm và 10 chị đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông hậu phương lớn với tiền tuyến lớn góp phần cho Tổ quốc toàn thắng... Trong những tập thể anh hùng ở ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện nhiều cá nhân anh hùng. Tiêu biểu là anh hùng La Thị Tám, "người con gái sông La" cầm ống nhòm đứng trên đỉnh núi Mòi trong làn bom đạn Mỹ, trong tiếng máy bay gầm rú trên đầu để quan sát, cắm tiêu đúng vị trí những quả bom chưa nổ. Suốt 7 tháng trời chị đã đếm và cắm tiêu được 1.502 quả bom. Các anh hùng: Nguyễn Tri Ân, Nguyễn Tiến Tuẫn, dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ... là những tấm gương sáng trên trận tuyến ở ngã ba Đồng Lộc, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ.

*

Hôm nay trở về Đồng Lộc đầy nắng gió, đứng trên đỉnh núi Trọ Voi ngút ngàn thông reo, ta có thể thấy được toàn bộ khu di tích lịch sử văn hoá này. Ngay chính giữa ngã ba là cột biểu tượng lưu niệm của ngành giao thông vận tải được khởi công xây dựng vào tháng 12 - 1991 và khánh thành vào ngày 26 - 3 - 1992. Dưới chân núi, cạnh nhà làm việc của Ban Quản lý khu di tích là Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ TNXP toàn quốc. Nhà bia được Trung ương Đoàn đầu tư xây dựng vào năm 1998, khắc tên 1.950 anh hùng liệt sĩ TNXP toàn quốc và 165 anh hùng liệt sĩ hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc. Cách nhà bia tưởng niệm khoảng 30m cùng nằm dưới dãy núi Trọ Voi là khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc. Khu mộ được mở rộng và tôn tạo vào năm 2000 trang nghiêm và thoáng đãng. Phía trước là lư hương và tấm biển "Tổ quốc ghi công" ghi tên tuổi và công lao 10 cô "như một kỳ tích anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng". Phía sau là 2 hàng mộ có gắn ảnh và ghi họ tên, tuổi, quê quán của 10 cô theo thứ tự Tần - Xuân - Nhỏ - Cúc - Hường - Hà - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh. Trong khuôn viên khu mộ được trồng nhiều loại hoa. Đặc biệt có 2 cây bồ kết do đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Tiến Tuẫn trồng kèm tấm bia ghi bài thơ "Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng, có đoạn:

"... Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết...".

Phía đông khu mộ 10 cô là nhà truyền thống TNXP toàn quốc. Trong các dãy nhà trưng bày 110 hiện vật gốc, 12 ảnh gốc và 145 hiện vật được phục chế cho người xem thấy cuộc sống, chiến đấu và lao động của lực lượng TNXP trên mọi nẻo đường đất nước. Trong gian trưng bày hiện vật tại ngã ba Đồng Lộc người xem thật cảm động khi thấy mũ, quần áo, giày dép, sổ tay ghi bài hát, học bạ, thẻ đoàn viên... của các cô. Đặc biệt còn có cả lá thư chị Võ Thị Tần viết về thăm mẹ ngày 19-7-1968 (trước lúc hy sinh 5 ngày) trong đó có đoạn "... Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không có thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con...".

Phía bắc nhà truyền thống TNXP toàn quốc là Tượng đài chiến thắng nằm dưới thung lũng trong công viên tuổi trẻ, nơi ngày xưa chi chít hố bom. Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng TNXP, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích...  trong cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Hôm nay chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên "tọa độ chết" năm xưa. Nhưng chiến thắng ở ngã ba Đồng Lộc - ngã ba anh hùng vẫn còn vang vọng mãi đến mai sau. Giờ đây hướng về ngày 27 - 7, hướng về Đồng Lộc, ta lại nhớ đến lời của Bác Hồ kính yêu: "... Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do...".

Hôm nay, cuộc sống đã hồi sinh trên ngã ba Đồng Lộc - "tọa độ chết" trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Bài ca về tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tự hào về ý chí chiến đấu anh dũng quật cường của quân và dân ở ngã ba Đồng Lộc, nhất là lực lượng thanh niên xung phong, dân quân, du kích còn vang vọng mãi.


MAI HIÊN