“Ba xây” đi liền với “Ba chống”

Tin tức - Ngày đăng : 09:25, 27/07/2012

"3 xây" và "3 chống" quan hệ chặt chẽ với nhau. Làm “3 chống" triệt để nhằm bảo đảm cho công việc "3 xây" thành công...

Cách đây 49 năm, ngày 27-7-1963, Bác Hồ đã nói chuyện tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Tại Hội nghị, Người đã nói về việc Đảng và Chính phủ bắt đầu tiến hành hai cuộc vận động lớn: Một là cuộc vận động "Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu". Gọi tắt là "3 xây, 3 chống". Hai là cuộc vận động "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc". Hai cuộc vận động này liên quan với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Có thể ví hai cuộc vận động như hai bánh xe vững chắc, nó góp phần rất đắc lực vào việc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Theo Người, tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Lãng phí làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí. Người cho rằng: Số đông cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân, viên chức ta đều tận tuỵ và trong sạch. Cho nên chúng ta đã thu được những thành tích trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng trong hàng ngũ ta vẫn còn một số người không tốt. Họ tham ô và lãng phí của Nhà nước và của nhân dân.

Vì vậy, "3 xây" và "3 chống" quan hệ chặt chẽ với nhau. Làm “3 chống" triệt để nhằm bảo đảm cho công việc "3 xây" thành công. "3 xây" phát triển mạnh mẽ thì đối tượng "3 chống" sẽ được xoá bỏ tận gốc. Người cho rằng, cuộc vận động này lấy giáo dục làm chính: khen ngợi những người tốt, việc tốt; khuyến khích những người có khuyết điểm tự giác tự động cố gắng sửa chữa để trở nên người tốt. Phải tiến hành khẩn trương, nhưng không nóng vội... Làm nơi nào phải thật tốt nơi ấy, để rút kinh nghiệm phổ biến cho nơi khác.

Để thực hiện tốt hai cuộc vận động, Bác nhấn mạnh, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm làm cho mọi người cần kiệm xây dựng nước nhà. Mọi người có trách nhiệm tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, để Nhà nước có thể vừa tích lũy thêm tiền vốn xây dựng, vừa cải thiện dần đời sống của nhân dân. Cần phải kết hợp chặt chẽ cuộc vận động với phong trào thi đua yêu nước; liên hệ chặt chẽ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng. Cán bộ (trước hết là cán bộ phụ trách), đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, xung phong, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình, có khuyết điểm thì quyết tâm sửa chữa. Phải mạnh dạn phát động quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.

Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị thời sự, nhất là trong lúc chúng ta đang triển khai việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".