Còn nhiều rào cản
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:11, 29/07/2012
Mặc dù có ý nghĩa rất tích cực nhưng sau 5 năm triển khai, chương trình trên vẫn gặp nhiều rào cản.
Áp lực công việc đối với nhân viên cơ sở điều trị methadone rất lớn
Chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai tại tỉnh ta đến nay đã được 5 năm. Ban đầu, chương trình chỉ được thực hiện tại 2 địa phương là TP Hải Dương và thị xã Chí Linh. Từ năm 2011 đến nay, chương trình được mở rộng thêm 5 huyện gồm: Kim Thành, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Gia Lộc, Thanh Hà. Đây là những địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm. Mặc dù có ý nghĩa rất tích cực nhưng sau 5 năm triển khai, chương trình trên vẫn gặp nhiều rào cản.
Chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV chủ yếu thông qua các hoạt động tiếp cận cộng đồng như tuyên truyền, phát bơm kim tiêm, bao cao su, nước cất cho các đối tượng nghiện chích ma túy, mại dâm để phòng tránh lây nhiễm HIV, các bệnh lây qua đường tình dục... Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, khi triển khai chương trình, nhiều nơi người dân và ngay cả các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chưa hiểu rõ mục đích của hoạt động can thiệp giảm tác hại, cho rằng hoạt động này góp phần "tiếp tay" cho các đối tượng nghiện chích ma túy và hoạt động mại dâm. Để thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại, hoạt động tiếp cận cộng đồng chủ yếu thông qua các đồng đẳng viên (ĐĐV), cộng tác viên (CTV) và các thành viên của các Câu lạc bộ Người có HIV. Tuy nhiên, việc tiếp cận, vận động họ tham gia chương trình thường rất khó khăn, tốn nhiều thời gian.
Chị Hoàng Thị Tuyết, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà đồng thời là CTV của chương trình cho biết: Thanh Hà mới triển khai chương trình từ tháng 3 năm nay. Chúng tôi đã phối hợp với trạm y tế, công an các xã, thị trấn để tìm các ĐĐV tham gia. Tuy nhiên, việc thuyết phục rất khó vì họ không muốn lộ diện, sợ xã hội kỳ thị. Có 2 trường hợp đã sơ tuyển được nhưng họ lại bị công an bắt vì phát hiện trên người có ma túy. Hiện tại, huyện đã có 8 ĐĐV tham gia hoạt động tại một số xã trọng điểm về ma túy như Tân Việt, Hồng Lạc, Thanh Thủy, Thanh Khê, Thanh Cường, Thanh Sơn. Qua phản ánh của các ĐĐV thì hiện nay nhóm người nghiện chích ma túy, hoạt động mại dâm không có việc làm ổn định, thường xuyên di biến động nên rất khó tiếp cận, tuyên truyền.
Tình trạng chung hiện nay là các huyện chưa thiết lập được đội ngũ ĐĐV bền vững. Nguyên nhân chủ yếu là do các quy định, cam kết khá chặt chẽ nên nhiều người không muốn tham gia. Thậm chí, một số người sau khi nhận lời, được tập huấn xong, khi đọc bản cam kết đã xin "rút" luôn. Việc tìm các ĐĐV thay thế cũng tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, việc quản lý, giám sát hoạt động của các ĐĐV để chương trình đạt hiệu quả thực sự cũng là một khó khăn đối với cán bộ y tế.
Một trong những hoạt động can thiệp giảm tác hại khác là chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Chương trình đã được triển khai tại 4 địa phương gồm: Kinh Môn, Kim Thành, TP Hải Dương, thị xã Chí Linh. Hiện nay có 734 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 509 người đang ở giai đoạn liều duy trì. Bên cạnh hiệu quả của chương trình mang lại thì vẫn còn một số bất cập. Theo ông Nguyễn Thanh Tường, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Chí Linh, thị xã đã thẩm định và chấp thuận điều trị cho 230 người nghiện ma túy điều trị thay thế bằng methadone nhưng con số đó "rơi rụng" dần, đến nay chỉ còn 170 người. Với chỉ tiêu đặt ra là 250 bệnh nhân thì tiến độ thực hiện còn khá chậm. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều bệnh nhân không tuân thủ các quy định điều trị, có bệnh nhân đang điều trị thì bị bắt, người chuyển nơi ở... Hơn nữa, việc điều trị này rất ngặt nghèo, ngày nào bệnh nhân cũng phải đi uống methadone, cả ngày lễ, tết. Thời gian điều trị dài, có thể phải duy trì suốt đời dễ làm cho bệnh nhân nản mà từ bỏ. Bên cạnh đó, không ít cán bộ làm tại cơ sở bỏ việc do áp lực công việc và tinh thần.
Hiện nay, chương trình bơm kim tiêm, bao cao su đã bao phủ được gần 60% số xã. Qua giám sát trọng điểm hằng năm, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy giảm đáng kể, hiện còn 13,6%, thấp hơn so với toàn quốc (16%). Tuy vậy, số người nhiễm HIV qua con đường tình dục có xu hướng tăng. Để khắc phục những khó khăn trên, theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, chương trình cần được triển khai đồng bộ ở những huyện có tỷ lệ người sử dụng ma túy cao, tệ nạn mại dâm phức tạp... Chương trình cũng cần sự đồng thuận tham gia của nhiều thành phần, nhất là các doanh nghiệp, chủ nhà hàng, khách sạn để chương trình phát miễn phí bao cao su, bơm kim tiêm đến được với nhiều đối tượng nguy cơ cao như công nhân, nhân viên nhà hàng... Bên cạnh đó, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone hiện được nhiều người quan tâm, mong muốn được điều trị nên tương lai có thể xã hội hóa hoạt động này.
MINH HẠNH