Vài chú ý trong nuôi gà đẻ trứng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:20, 30/07/2012

Nuôi gà đẻ trứng là một nghề quen thuộc đối với nông dân, nhiều người trở nên khấm khá nhờ nghề này.

Dưới đây là một số khuyến cáo có liên quan do các chuyên gia chăn nuôi ở tạp chí Nông nghiệp AgriPinoi của Mỹ tư vấn.

1. Về giống

Điều quan trọng là chọn loại giống tốt, ví dụ giống gà lông trắng, hay còn gọi là gà Lơ-go (Leghorn), gà Goldline, Hyline, Brownick, Babcok... hoặc các loại gà có sẵn tại địa phương, mắn đẻ, khỏe mạnh, ít bị stress (căng thẳng), có sức đề kháng tốt với khuẩn Salmonella. Tùy theo khả năng, nên chọn mô hình nuôi cho phù hợp. Ví dụ như nuôi nhốt, nuôi thả sau đó đủ điều kiện hãy mở rộng quy mô.

Những điều cần làm:

- Duy trì nhiệt độ tối ưu và chất lượng không khí trong nhà.

- Cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống cho gà, nước và thức ăn phải sạch sẽ và không bị ô nhiễm.

- Lượng gà mái đẻ không được quá đông.

- Theo dõi thức ăn và tiêu thụ nước một cách khoa học, chặt chẽ để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh.

2. Vệ sinh chuồng trại:

- Loại bỏ hết rác rưởi, lông gà, phân gà, vỏ trứng cũ còn sót lại.

- Đưa tất cả các trang thiết bị ra ngoài và ngâm vào nước, cọ rửa đánh sạch những chất bẩn.

- Sát trùng bằng thuốc sát trùng, để trống chuồng. Nên dọn phân liên tục, không để phân gà chất đống cao dễ tạo ra vi khuẩn, môi chất gây bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại.

- Vệ sinh định kỳ máng ăn, máng đựng trứng gà, thức ăn …

- Chuồng trại nên đặt cách xa phòng ở của con người, phải có ánh sáng thích hợp, kể cả ánh sáng tự nhiên lẫn nhân tạo.

- Khâu vệ sinh tiêu độc rất quan trọng, nhất thiết phải dùng vắc-xin phòng bệnh. Không được nuôi nhiều loại, lứa tuổi gà gần nhau vì dễ lây lan dịch bệnh.

3. Về thức ăn:

Để giúp gà khỏe mạnh, mắn đẻ và ít bị bệnh khi chế biến thức ăn, cần lưu ý:

- Thức ăn cho gà không được chứa quá nhiều muối, độ muối không quá 0,5%.

- Loại bỏ nguyên liệu cũng như thức ăn mốc, kém phẩm chất, dễ gây bệnh.

- Thức ăn cho gà dễ bị phân hủy bởi môi trường xung quanh nên chế biến đến đâu dùng đến đó.

- Chuẩn bị thức ăn đúng cách, trộn những nguyên liệu phụ, số lượng ít trước, sau đó trộn dần theo nguyên tắc đồng lượng. Tốt nhất trộn qua sàn 2-3 lần để thức ăn đồng đều.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)