Người thầy thuốc giỏi là người mẹ hiền
Tin tức - Ngày đăng : 14:49, 31/07/2012
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề y tế và sức khỏe nhân dân, ngày 31-7-1967, Bác Hồ đã viết “Thư khen cán bộ và nhân viên quân y” cùng với những lời biểu dương và nhắc nhở: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh...”.
Bức thư viết: Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, ngành quân y ta đã có nhiều cố gắng và đã lập được thành tích trong việc cứu chữa thương binh, bệnh binh cũng như trong việc giữ gìn sức khoẻ bộ đội. Quân y đã cùng với ngành y tế nhân dân chế được nhiều thuốc hay, tìm được nhiều cách chữa giỏi, góp phần tổ chức, hướng dẫn cho bộ đội cách ăn ở tốt và đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều cán bộ, nhân viên tốt. Nhiều cán bộ, nhân viên quân y đã nêu cao tinh thần dũng cảm, tận tuỵ cứu chữa đồng đội. Nhiều đơn vị quân y đã có thành tích xuất sắc. Cán bộ, nhân viên quân y còn tham gia cứu chữa, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở các nơi đóng quân.
Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các đồng chí. Bác nhắc nhủ các cô, các chú phải: Đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập và công tác để tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng, về chuyên môn kỹ thuật. Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khoẻ của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Có thể nói, trên lĩnh vực y tế và sức khỏe, Bác Hồ đã để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm vô cùng sâu sắc, phong phú, có ý nghĩa định hướng cho việc phát triển một nền y học Việt Nam hiện đại. Bác cũng thường xuyên nhắc nhở các cán bộ của Đảng, Nhà nước, các đồng chí chỉ huy quân đội, các cán bộ y tế phải quan tâm chăm sóc sức khỏe cho cụ già, cho trẻ em, cho người nghèo ở vùng xa xôi, hẻo lánh, cho bộ đội và thương binh.
Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, tuân theo lời dạy về y đức của Người, nhiều tấm gương như: Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ... đã làm việc quên mình, xả thân vì người bệnh, vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Và trong điều kiện khó khăn song chúng ta vẫn đạt được những thành tựu y học đáng tự hào như: công trình mổ gan khô của giáo sư Tôn Thất Tùng; châm cứu của bác sĩ Nguyễn Tài Thu, chữa bỏng của bác sĩ Đặng Văn Chung...
Trong bối cảnh hiện nay, những người thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế càng phải chủ động rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng nền y tế nước nhà “hiện đại, hiệu quả, phát triển và công bằng”.
HỒNG LĨNH(biên soạn)