Trăn trở nghề truyền thanh

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 11:40, 03/08/2012

Điều rất đặc biệt là tin bài của họ không hề được trả nhuận bút và họ coi việc viết lách của mình như là trách nhiệm, như một niềm say mê...



Tuy tuổi cao nhưng ông Phác vẫn ngày ngày viết và biên tập tin, bài cho Đài Truyền thanh xã Tứ Xuyên


Huyện Tứ Kỳ hiện có gần 70 cán bộ, nhân viên làm công tác truyền thanh ở 27 xã, thị trấn. Dù phụ cấp chưa bằng mức lương tối thiểu của một công chức, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, đa số cán bộ đài cơ sở vẫn cần mẫn, hăng say với công việc. Đều đặn mỗi buổi sáng, những người trực đài phải thức dậy từ rất sớm để mở máy tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh huyện và phát chương trình tin tức của đài xã. Mỗi tuần, các đài xã xây dựng từ 1-2 chương trình phát thanh của địa phương, chuyển tải các thông báo lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương tới nhân dân. Vào các đợt cao điểm như bầu cử, xử lý các công trình vi phạm, giải phóng mặt bằng, thu thuế nhà đất, thu dịch vụ HTX, phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống lụt, bão, úng hay quyên góp ủng hộ xây dựng các loại quỹ... thì công việc của đài xã lại càng bận rộn hơn.

Anh Nguyễn Tiến Thịnh vừa là kỹ thuật viên, vừa là biên tập viên, kiêm phát thanh viên Đài Truyền thanh xã Tân Kỳ, người đã gắn bó với đài gần 30 năm cho biết: "Tôi làm ở đài xã vì có tình yêu nghề nghiệp. Hằng ngày, bài viết của mình, tiếng nói của mình được phát trên loa truyền thanh, được bà con nghe tôi thấy thật hạnh phúc".

Đài xã Ngọc Kỳ cũng là một trong những đài dẫn đầu của huyện. Đài có nhiều chương trình hay, độc đáo phục vụ cho từng nhóm đối tượng khác nhau. Anh Trịnh Đức Ẩn, Trưởng đài xã Ngọc Kỳ cho biết: "Ngọc Kỳ có một bộ phận đồng bào công giáo nên các chương trình của đài phải đi sâu, đi sát, phù hợp với tâm tư, tình cảm của người dân. Ngoài chương trình thời sự phát theo định kỳ, chúng tôi còn xây dựng được thêm nhiều chương trình theo yêu cầu..."

Anh Nguyễn Xuân Chồi đã có hơn 30 năm công tác tại Đài Truyền thanh xã Đại Hợp cho biết: "Vì quá yêu nghề nên tôi mới có thể gắn bó với nghề lâu thế chứ nhiều lúc tôi cũng thấy nản vì vất vả như con mọn mà phụ cấp lại quá thấp". Anh Chồi đã mày mò sáng chế ra 1 thiết bị tắt mở máy tăng âm tự động, có thể ở nhà mà vẫn điều khiển được hệ thống truyền thanh tại xã và anh đã sử dụng nó trong 10 năm nay. Tuy vậy cũng chưa thể khắc phục được những khó khăn, vất vả vì tính chất nhiệm vụ của công việc đòi hỏi phải khắt khe, tỉ mỉ.

Cùng suy nghĩ như anh Chồi, chị Nguyễn Thị Hương ở Đài Truyền thanh xã Bình Lãng cho biết: "Nếu không yêu nghề thì nhiều người đã bỏ lâu rồi, bởi công việc vất vả mà chế độ đãi ngộ còn thấp".

Có những lúc những người làm truyền thanh cơ sở như những phóng viên thực thụ, bám sát thực tiễn. Họ phải trực tiếp xuống từng thôn, từng xóm, vào từng nhà để lấy thông tin viết bài tuyên truyền về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi của nông dân, gương người tốt, việc tốt, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, công tác khuyến học, khuyến tài, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh... Nhân viên các đài truyền thanh phải nhanh chóng cập nhật, viết và phát thanh ngay trong ngày những sự kiện diễn ra trên địa bàn xã, bảo đảm tính thời sự, kịp thời phục vụ nhu cầu hưởng thụ thông tin của nhân dân. Thế nhưng, có điều rất đặc biệt là tin bài của họ không hề được trả nhuận bút và họ coi việc viết lách của mình như là trách nhiệm, như một niềm say mê, một vinh dự mà cấp uỷ, chính quyền và nhân dân giao phó.

Mong rằng những tâm tư, trăn trở của những người làm công tác truyền thanh cơ sở sẽ được các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm để những người làm truyền thanh cơ sở phát huy hết được khả năng, tâm huyết, trách nhiệm của mình cho công việc, đưa sự nghiệp phát thanh - truyền thanh tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền trong thời kỳ mới.

ANH NGUYÊN - TIẾN MẠNH