Thanh niên Kiến Quốc làm giàu từ nghề truyền thống
Xã hội - Ngày đăng : 08:08, 05/08/2012
Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp làm giàu từ nghề truyền thống của xã Kiến Quốc góp phần giúp nhiều thanh niên thoát nghèo vươn lên làm giàu...
Anh Bùi Văn Phiến (áo trắng) hướng dẫn thanh niên cách ép gỗ bằng máy
Trong những năm qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp làm giàu từ nghề truyền thống của xã Kiến Quốc (Ninh Giang) có nhiều khởi sắc, góp phần giúp cho nhiều thanh niên thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Phạm Văn Chiến, Bí thư Đoàn xã cho biết: Hiện nay, Đoàn xã có hơn 1.600 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) sinh hoạt tại 7 chi đoàn (5 chi đoàn dân cư, 2 chi đoàn nhà trường), trong đó ĐVTN nông thôn chiếm 76% và ĐVTN thường xuyên đi làm ăn xa chiếm tới 90%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn thu hút ĐVTN tham gia các phong trào tại địa phương. Nhưng bằng tình yêu và quyết giữ lấy nghề truyền thống, xã Kiến Quốc vẫn có 40 cơ sở sản xuất nghề mộc do thanh niên làm chủ, thu hút khoảng 120 lao động, tập trung nhiều nhất tại thôn Cúc Bồ.
Sau khi tốt nghiệp THCS, anh Bùi Văn Phiến (sinh năm 1985 tại thôn Cúc Bồ) cùng với bạn đi làm mộc tại Lào Cai và TP Hồ Chí Minh. Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất của mình bằng nghề mộc truyền thống, sau khi xây dựng gia đình, anh bàn với vợ mở xưởng mộc tại nhà. Lúc đầu, do thiếu vốn làm ăn, ngoài sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, anh được Đoàn xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội vay 20 triệu đồng để mua máy móc. Cơ sở mộc của gia đình anh Phiến chủ yếu làm đồ nội thất như: giường, tủ, bàn ghế và chế biến lâm sản. Từ nguồn vốn được hỗ trợ và chịu khó làm ăn, dần dần anh tích luỹ được vốn. Có vốn anh đầu tư 200 triệu đồng để mua máy móc như: máy cuốn, máy phay, máy xẻ và mở tiếp 2 cơ sở sản xuất mộc tại địa phương và một xưởng tại thôn Bồ Dương (xã Hồng Phong). Hằng năm, cơ sở sản xuất của anh tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 6,5-7 triệu đồng/người/tháng.
Cùng chung chí hướng với anh Phiến, anh Bùi Văn Trình (sinh năm 1988) cũng lấy nghề mộc truyền thống để lập thân, lập nghiệp. Anh Trình cho biết: "Do gia đình có nghề mộc truyền thống từ nhiều đời nay, nên khi học lớp 5, lớp 6 tôi đã được tiếp xúc với nghề này qua những đồ đục đẽo đơn giản và rồi tình yêu nghề mộc của tôi lớn dần lên theo năm tháng". Năm 2009, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Trình trở về địa phương và quyết tâm theo nghề mộc của gia đình. Vì gia đình có truyền thống làm mộc đình chùa, nên anh cũng phát triển theo hướng đó. Khi xây dựng cơ sở sản xuất, anh được Đoàn xã hỗ trợ tín chấp vay 20 triệu đồng vốn ngân hàng để xây nhà xưởng. Có cơ sở sản xuất, được sự giúp đỡ của gia đình, anh em nên cơ sở sản xuất của gia đình anh đã nhận được nhiều công trình ở trong và ngoài tỉnh. Để mở rộng sản xuất, anh đang cho xây dựng khu nhà xưởng có diện tích 200m2. Hiện nay, 6 anh em trong gia đình đều theo nghề mộc, lập nghiệp ở nhiều nơi như: Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, đảo Phú Quốc. Mỗi năm, cơ sở sản xuất của gia đình anh tạo việc làm cho 4-7 lao động, thu lãi từ 70-100 triệu đồng.
Trên đây chỉ là 2 trong số gần 40 cơ sở sản xuất nghề mộc của ĐVTN xã Kiến Quốc. Để thu hút lực lượng thanh niên tham gia phát triển nghề mộc truyền thống của địa phương, trong nhiều năm qua, Ban Chấp hành Đoàn xã đã tích cực tham mưu với Đảng uỷ, chính quyền địa phương về việc tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thanh niên lập thân, lập nghiệp tại địa phương. Cùng với đó, thông qua các lần giới thiệu việc làm do Huyện đoàn tổ chức, Đoàn xã đều mang sản phẩm mộc của thanh niên đi giới thiệu và tổ chức các hội thi tay nghề cho thanh niên. Qua đó, thanh niên trong xã được giao lưu học hỏi và rút kinh nghiệm. Để có nguồn vốn ban đầu tạo đà cho thanh niên, mỗi năm Đoàn xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội vay hàng trăm triệu đồng giúp cho thanh niên có vốn làm ăn, trong đó 60% số vốn tập trung cho thanh niên làm nghề mộc.
ĐỨC TUỲ