Coi trọng giáo dục về môi trường

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 11:05, 10/08/2012

Thực tế những năm qua cho thấy, việc lồng ghép đưa kiến thức BVMT trong các cấp học phổ thông không được hệ thống hóa và thiếu bài bản.

Thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25-6-1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 17-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đưa các nội dung BVMT vào hệ thống giáo dục quốc dân, ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều cố gắng đưa nội dung giáo dục môi trường vào các bậc học.

Ở bậc học phổ thông, tất cả các cấp học đã lồng ghép kiến thức môi trường trong các môn học; các cơ sở giáo dục, đào tạo đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, bổ sung kiến thức thực tế về môi trường nhằm nâng cao ý thức BVMT cho những thế hệ công dân tương lai…
Ở bậc học mầm non, các giáo viên được đi bồi dưỡng để giáo dục các kiến thức đơn giản về môi trường cho các cháu qua kể chuyện bằng tranh, ảnh…

Thực tế những năm qua cho thấy, việc lồng ghép đưa kiến thức BVMT trong các cấp học phổ thông không được hệ thống hóa và thiếu bài bản.

Đã đến lúc môn học về môi trường (hoặc BVMT) phải được đưa vào chính khóa. Việc biên soạn sách giáo khoa về môn học này từ lớp một đến lớp mười hai phải được đầu tư thích đáng và không nên để quá muộn.

Một vấn đề khác cần được đề cập là, hiện nay quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang diễn ra nhanh chóng nên ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và trở nên vô cùng bức xúc. BVMT đã trở thành nhiệm vụ của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng. Từ đó cho thấy, giáo dục môi trường và công tác tuyên truyền về BVMT (thực chất cũng là một kênh thuộc giáo dục môi trường) phải hướng tới cộng đồng. Do đó, giáo dục BVMT không phải là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà là nhiệm vụ các ngành, các cấp, các tổ chức có liên quan.

Đối với lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… cần quan tâm công tác giáo dục môi trường trong phạm vi do mình phụ trách như: tổ chức nói chuyện chuyên đề về môi trường; tổ chức các cuộc thi về BVMT, đưa nội dung về BVMT vào chương trình sinh hoạt thường kỳ của chi bộ đảng, các đoàn thể; các tài liệu dùng trong sinh hoạt (như bản tin nội bộ) nên nghiên cứu đưa thêm chuyên mục về giáo dục môi trường. Đặc biệt, phải chú ý phát huy tối đa hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong toàn xã hội. Các chương trình phát thanh, truyền hình, các bài báo và ảnh trên các báo đăng tải về nội dung môi trường và ô nhiễm môi trường tới cộng đồng … có ý nghĩa giáo dục cực kỳ quan trọng.

Tuyên truyền BVMT và giáo dục môi trường là giải pháp quan trọng bậc nhất trong việc cung cấp các kiến thức, hiểu biết về môi trường, từ đó làm cho mọi người thấy rõ trách nhiệm, tự giác giữ gìn và BVMT, làm cho môi trường sống của chúng ta ngày càng trong lành hơn.

TRƯƠNG VĂN NHI (Phó Chủ tịch hội bảo vệ tài nguyên và môi trường tỉnh)