Cứ nghĩ đến đó là tôi lại thấy sợ…
Đời sống - Ngày đăng : 14:34, 10/08/2012
… Năm cuối đại học, tôi được Minh đưa về ra mắt gia đình. Thú thật, tôi bị “ngộp” trước cảnh giàu sang của họ. Tuy vậy, tôi nghĩ, một khi Minh đã chọn tôi thì cũng có nghĩa anh thấy tôi xứng đáng bước vào chốn ấy. Tôi, một cô gái quê, con nhà bình thường nhưng là sinh viên xuất sắc của lớp, người duy nhất được nhận học bổng của công ty anh suốt 4 năm. Điều đó khiến tôi tự tin nhận lời yêu người đàn ông vốn là “thần tượng” của mình.
Lần đầu tôi đến ra mắt nhà chồng tương lai, tôi đã chạm mặt Tuấn gần cuối bữa ăn khi xuống nhà bếp lấy đồ tráng miệng. Tuấn vui vẻ chào tôi rồi lấy chén, đũa ra ngồi vào bàn ăn. Tôi hơi ái ngại vì thức ăn trên bàn đều đã ăn dang dở trong khi chẳng ai nhớ chừa phần cho người về muộn. Những người có mặt trên bàn ăn gồm mẹ chồng, chồng, em chồng tương lai của tôi không ai giới thiệu Tuấn với tôi. Chỉ có chị giúp việc thỏ thẻ khi tôi phụ chị rửa chén: “Cậu Tuấn là con bà giúp việc cũ của nhà mình. Nghe đâu bà ấy mất rồi nên ông chủ đem cậu Tuấn về nuôi”.
Rất lâu sau đó tôi vẫn nghĩ như vậy. Tuấn làm bác sĩ ở một bệnh viện lớn của TP. Có lẽ anh ta lớn hơn tôi chừng vài tuổi nhưng theo vai vế, tôi vẫn xem anh ta thấp hơn mình một bậc. Điều này mặc định như vậy vì con người làm công sao có thể sánh với con ông bà chủ? Sau đám cưới, về sống chung nhà, thỉnh thoảng gặp Tuấn, tôi cũng chỉ gật đầu xã giao chứ không trò chuyện bởi mẹ chồng tôi rất nghiêm khắc.
Chồng tôi là con trai một, dưới anh còn hai cô em gái. Có lẽ chính vì vậy mà áp lực sinh con nối dõi đè nặng lên vai tôi. Thế nhưng dường như tôi càng lo lắng thì lại càng khó có thai. Năm đầu tiên, mẹ chồng tôi còn nhẹ nhàng nhắc nhở: “Mẹ nói rồi đó, không được kiêng cữ, kế hoạch gì hết…”. Tôi bối rối: “Dạ, con không có kế hoạch mà sao mãi không thấy…”.
Mẹ chồng tôi bắt tôi phải vô Bệnh viện Từ Dũ khám, làm xét nghiệm để biết chắc là tôi không bị trục trặc gì về đường sinh nở. Nhưng rồi sự thể cũng chẳng khá hơn. Chồng tôi thoạt đầu cố làm ra vẻ bình thường nhưng sau đó anh lại không thể che đậy được sự thất vọng.
Ba năm trôi qua mà tôi vẫn chưa bầu bí gì khiến mẹ chồng tôi càng thêm lo lắng. Bà đi hốt cho tôi đủ thứ thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc bổ… cho tôi. Thú thật, tôi uống nhiều thuốc Bắc đến nỗi có cảm giác mồ hôi của mình toàn mùi thuốc và mỗi lần ngửi thấy mùi thuốc là tôi nôn mửa…
Tất cả những điều đó khiến tôi héo hắt. Khi mới cưới tôi 50 ký, sau gần 5 năm lấy chồng, tôi chỉ còn 39 ký. Từ một cô gái khỏe mạnh, tôi trở thành một cái bóng vật vờ. Có lẽ hình dạng của tôi như vậy cũng khiến chồng tôi chán ngán, bất mãn. Anh gần như không đụng tới vợ nữa. Đi làm thì thôi, về đến nhà thì anh lại chúi mũi vào máy tính hoặc xem tivi với mẹ; cuối tuần anh lại đi nhậu với bạn bè hoặc đi đâu đó mà không hề nói cho tôi biết.
Cho đến một ngày, Minh mang về một xấp giấy tờ đưa cho tôi: “Em xem đi. Đây là kết quả xét nghiệm của anh. Tất cả đều tốt. Vậy thì cái chuyện trục trặc là ở phía em”. Tôi nhìn những con số, những dòng chữ trong mấy tờ giấy mà chẳng hiểu gì cả. Không nghe tôi nói gì, anh hỏi tiếp: “Bây giờ em tính sao?”.
Tôi thật sự không biết phải tính sao nhưng câu hỏi của anh giống như lời tuyên án của một quan tòa. Tôi lắp bắp: “Tùy anh… nhưng hãy cho em thêm thời gian…”.
Anh không nói gì, cả mẹ chồng tôi cũng vậy.
Ba mẹ tôi ở dưới quê không hề biết những gì tôi phải chịu đựng giữa bốn bức tường của ngôi biệt thự sang trọng giữa Sài Gòn. Từ ngày con gái đi lấy chồng, ba mẹ tôi chỉ ghé thăm con một lần. Ba tôi nói: “Tới nhà sui gia sang trọng, ba mẹ ngại lắm…”. Tôi hiểu sự ngại ngùng đó của những bậc sinh thành và cũng không nài ép. Nhưng chuyện về thăm nhà hoàn toàn không dễ bởi mẹ chồng tôi hay nói, con gái đã gả đi thì là con của người ta…
Không thể chia sẻ với ai, tôi càng rơi vào trạng thái u uất. Tôi không ăn, không ngủ được và hoàn toàn suy sụp. Mọi sự trở nên tồi tệ khi tôi không còn đủ lý trí để suy xét đúng sai. Tôi quyết định kết thúc cuộc sống khổ đau của mình đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới. Hôm ấy mọi người đi dự tiệc sinh nhật một người bạn của gia đình. Tôi ở nhà với chị giúp việc và chuẩn bị một vốc thuốc ngủ…
Khi tôi tỉnh dậy trong bệnh viện thì trước mặt tôi là Tuấn. Chị giúp việc không dám gọi cho chồng và mẹ chồng tôi nên đã gọi cho anh ta. Cả đêm hôm ấy và những ngày sau, những người tôi chờ đợi đã không có mặt. Chỉ có chị giúp việc mang cơm nước, quần áo vào cho tôi…
Ngày tôi ra viện, đón tôi ở cổng không ai khác hơn là ba mẹ và em tôi. Họ được mẹ chồng tôi gọi điện thoại thông báo tôi bị bệnh và đề nghị được “gởi vợ thằng Minh về với anh chị sui ít lâu cho nó tĩnh dưỡng”.
Chồng tôi không nói một lời. Tôi đã không thấy mặt anh kể từ buổi chiều anh bỏ tôi ở nhà một mình để đi dự tiệc với gia đình. Từ đó đến lúc tôi về quê, anh không hề hỏi thăm, không hề gọi điện.
Cho đến một ngày, tôi nhận được qua đường bưu điện một lá đơn ly hôn. Minh đề nghị tôi ký vào để hoàn tất thủ tục “giải phóng chúng ta khỏi sự ràng buộc vô lý”. Điều anh muốn nói là cuộc hôn nhân của chúng tôi đã không đạt được mục đích duy trì nòi giống nên nó không được phép tiếp tục tồn tại.
Tình cờ, hôm ấy cũng đúng vào ngày Tuấn xuống thăm tôi. Nhìn lá đơn ly hôn, anh yên lặng hồi lâu rồi khẽ lắc đầu: “Những người trong ngôi nhà ấy luôn áp đặt người khác phải làm theo ý mình. Ngày xưa mẹ tôi cũng bị họ bức tử…”.
Mãi đến hôm ấy tôi mới biết Tuấn là con riêng của ba chồng tôi chứ chẳng phải con bà giúp việc như lời mọi người đã nói. Do không chịu nổi người vợ quá quắt, có lần ba chồng tôi đã bỏ nhà đi qua tỉnh khác làm ăn. Ở đó ông đã gặp và yêu một cô gái. Kết quả của mối tình ấy là Tuấn. Biết chuyện, mẹ chồng tôi đã tìm mọi cách bắt cóc đứa con riêng của chồng. Mẹ Tuấn quá đau buồn vì mất con nên đã bệnh và không qua khỏi…
Như những người đồng cảnh ngộ, chúng tôi trở thành đôi bạn thân. Cứ vài tuần Tuấn lại xuống thăm tôi. Khi tôi hoàn toàn bình phục thì vụ ly hôn cũng hoàn tất. Gia đình chồng cho tôi 500 triệu đồng “coi như bù đắp tuổi xuân đã mất”. Thoạt đầu tôi không nhận nhưng Minh ân cần: “Anh muốn em đỡ vất vả. Cứ nhận đi, không có gì phải ngại”. Tôi nhận tiền dù trong lòng vẫn thấy áy náy.
Quay lại Sài Gòn, tôi thuê nhà và xin việc ở quận 12. Người thân duy nhất bên cạnh tôi lúc đó chính là Tuấn. Theo thói quen, anh vẫn gọi tôi là “chị” nhưng tôi biết trong suy nghĩ của anh, tôi chẳng có quan hệ thân thích, ruột rà gì.
Cho đến một ngày, cách nay gần 1 năm, Tuấn đến thăm tôi rất muộn. Lúc ấy đã hơn 9 giờ đêm. Càng ngạc nhiên hơn khi thấy anh mang cho tôi đủ thứ: nước hoa, dầu gội đầu, sửa tắm, thuốc bổ… “Gì vậy?”- tôi hỏi trống không. Anh cười: “Để có người khi xài mấy thứ này thì nhớ mình”.
Tôi lúng túng không dám nhìn thẳng vào mắt anh bởi tôi vừa nhận ra trong ánh mắt ấy những tia sáng thật kỳ lạ. Bất ngờ anh nắm lấy tay tôi, xiết nhẹ: “Mai anh đi tu nghiệp ở Đức 1 năm. Anh đến đây chỉ để gặp em và nói với em rằng, anh không sợ miệng đời dị nghị, anh cũng không câu nệ chuyện anh với anh Minh là anh em... Chờ anh nghe em”.
Tôi thấy toàn thân lạnh ngắt. Thật sự là tôi đã từng mơ ước giây phút này nhưng chưa bao giờ dám nghĩ nó sẽ thành sự thật. Dù sao thì họ cũng là anh em. Mỗi khi nghĩ đến điều đó, tôi lại thấy như có ai bóp nghẹt trái tim mình.
Tôi bảo anh hãy cho tôi thêm thời gian và hẹn sẽ trả lời khi anh quay về.
Và bây giờ thời gian sắp hết. Không đầy 2 tuần lễ nữa anh sẽ về. Tôi mong chờ từng giây đến ngày ấy. Nhưng tôi cũng không thể nào quên được ngôi biệt thự sang trọng và những con người nơi đó. Những người vốn là mẹ chồng, em chồng và ngay cả chồng cũ của tôi sẽ nghĩ gì khi tôi lại chen chân vào cuộc sống của họ bởi dù sao thì giữa Tuấn và họ cũng có một sợi dây ràng buộc vô hình.
Cứ nghĩ đến đó là tôi lại thấy sợ…
Thiên An(NLĐ)