Một cái nhìn nhân văn
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 09:42, 12/08/2012
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trên mọi nẻo đường đất nước, ta vẫn gặp rất nhiều nấm mồ vô danh. Những ngôi mộ ẩn mình trong cỏ, như một nỗi đau của cả dân tộc. Hình ảnh ấy đã đi vào thi ca: "Cát mênh mông. Những vạt cỏ khô cằn" (Ngô Thế Oanh). "Cỏ xanh tròn nấm mộ" (Thạch Quỳ). "Nằm đây với cỏ như say/Nghe đồng gọi phố, nghe cây gọi người" (Nguyễn Ngọc San)...
Nguyễn Đình Xuân trong một lần thăm lại chiến trường xưa cũng đã bắt gặp ngôi mộ "cỏ" đó: "Gọi là mộ phải mộ đâu/Cỏ chồng lên cỏ đan nhau mà thành".
Thoạt tiên, ta có cảm giác như nhà thơ lại rơi vào cái mô-tuýp quen thuộc cũ. Nhưng đến hai câu tiếp theo thì có sự "chuyển" ý. Không phải một, mà là hai ngôi mộ: "Hai người lính trong chiến tranh/Nỗi đau như thể chẳng dành cho ai”.
Quả là nỗi đau mà họ đã nhận về mình, cho đến hôm nay vẫn "Đơn côi nằm trong cõi vắng/Cô quạnh lang thang nẻo rừng" (Nguyễn Hữu Quý, trong bài Khát vọng Trường Sơn). Một chi tiết, như một nút thắt trong một câu chuyện kể, đặt ra trước mắt bạn đọc: "Đạn hai phía để cả hai/Cùng nằm xuống...".
Có nghĩa là hai người ở hai trận tuyến, cùng thiệt mạng trong cuộc chiến ấy. Đọc câu thơ mà thấy xót xa về sự mất mát to lớn. Mà thấy căm thù quân xâm lược đã đem bom đạn đến tàn phá đất nước này. Chúng "Việt Nam hóa chiến tranh", làm bao thanh niên trai tráng ngã xuống. Để cho hai người dưới mộ kia: "Hai người đối địch năm xưa nằm kề/Hai người đều có miền quê/Có mòn mỏi mẹ mong về bao năm". Bây giờ thì họ nằm đây: "Cùng vô danh giữa đất trời/Mối xông đắp mộ nên đôi chẳng ngờ".
Một cái nhìn nhân văn - như quan niệm muôn đời của nhân dân ta "khép lại quá khứ, hướng về tương lai". Không thể "an táng" được đau thương mất mát. Hai ngôi mộ bên nhau như bè bạn, "Thì cùng bạn mộ tựa đầu trăng lên".
Bài thơ trầm và sâu. Bước chân đi khỏi nơi họ yên nghỉ, nhưng lòng ta vẫn khắc khoải nhìn theo: "Hai ngôi mộ người lính nằm/Cỏ xanh phủ mặt âm thầm nối nhau...".
Đây là một phát hiện của Nguyễn Đình Xuân, trong loạt sáng tác về chiến trường xưa - mà anh vừa công bố.
VƯƠNG BẠCH
NGUYỄN ĐÌNH XUÂN
Gọi là mộ phải mộ đâu Cỏ chồng lên cỏ đan nhau mà thành Hai người lính trong chiến tranh Nỗi đau như thể chẳng dành cho ai Đạn hai phía để cả hai Cùng nằm xuống trước ban mai một thời Cùng vô danh giữa đất trời Mối xông đắp mộ nên đôi chẳng ngờ! Thời gian phủ lớp bụi mờ Hai người đối địch năm xưa nằm kề Mỗi người đều có miền quê Có mòn mỏi mẹ mong về bao năm Hai ngôi mộ người lính nằm Cỏ xanh phủ mặt âm thầm nối nhau Sao an táng được nỗi đau? Thì cùng bạn mộ tựa đầu trăng lên... 20-7-2011 |