Biển Hoa Đông "dậy sóng"

Bình luận - Ngày đăng : 05:18, 17/08/2012

Việc Nhật Bản bắt 14 người Trung Quốc xâm nhập trái phép đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh gia tăng.



Hai tàu tuần duyên Nhật Bản chặn tàu của các nhà hoạt động Trung Quốc
đang tìm cách đổ bộ lên đảo Senkaku


Ngày 15-8, lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã bắt giữ 14 nhà hoạt động Trung Quốc xâm nhập vào quần đảo Senkaku (Xen-ca-cu), Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đang tranh chấp giữa hai nước trên biển Hoa Đông. Động thái mới này khiến quan hệ giữa Tokyo (Tô-ki-ô) và Bắc Kinh gia tăng.

Nhật Bản cứng rắn

Truyền thông Nhật Bản đưa tin, tất cả 14 người bị bắt giữ đều đi trên một chiếc tàu cá xuất phát từ Hồng Kông. Mục đích của những người này là thực hiện một chuyến đi nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. "Các nhà hoạt động đã phớt lờ lời cảnh báo từ phía Nhật Bản trước khi tiến đến hòn đảo này. Nhiều người trong số 14 nhà hoạt động đã bơi và lội hẳn vào bờ. Họ còn cắm cả một lá cờ Trung Quốc lên vùng tranh chấp. Những động thái trên đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ  phía Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Tuy nhiên, không ai bị thương trong quá trình bị lực lượng Nhật Bản bắt giữ”, cảnh sát tỉnh Okinawa (Ô-ki-na-oa) cho biết. 

Nhóm nhà hoạt động Trung Quốc cho biết, tàu của họ đã bị Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đâm thủng và bắn bằng súng vòi rồng. Tuy nhiên, một quan chức Nhật Bản khẳng định, tàu của Trung Quốc không bị tổn hại gì nghiêm trọng. Những người bị bắt sẽ được chuyển đến Naha (Na-ha), một thành phố biển ở phía nam Okinawa và cũng là thủ phủ của Okinawa. “Họ có thể được chuyển tới Cục Nhập cư Nhật Bản sau đó và sẽ được trả lại Hồng Kông”, một phát ngôn viên của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (Y-ô-si-hi-cô Nô-đa) khẳng định “sẽ xử lý nghiêm vụ này theo quy định của pháp luật”. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa đến để chuyển công hàm phản đối chính thức tới Bắc Kinh. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura (Ô-xa-mu Phu-di-mu-ra) cho rằng “việc những người này lên đảo bất chấp 3 lần cảnh cáo từ phía lực lượng chức năng Nhật Bản là rất đáng tiếc”.

Trung Quốc nổi giận

Chỉ vài giờ sau khi vụ bắt giữ diễn ra, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh triệu hồi đại sứ Nhật Bản đến để phản đối. Bà Oánh cũng gọi điện cho người đồng cấp Nhật Bản để yêu cầu Tokyo "bảo đảm an toàn cho các công dân Trung Quốc và trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện" đồng thời lên án mạnh mẽ việc bắt giữ trái phép của Nhật Bản trên quần đảo Điếu Ngư". Ông Leung Chun-ying (Lê-ung Chun-ing), Trưởng đặc khu Hồng Kông - nơi sinh sống của một số người bị bắt cũng tuyên bố rằng chính quyền đặc khu sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của sự việc và sẽ làm hết sức vì những nhà hoạt động nói trên.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản bắt giữ người Trung Quốc ở khu vực quần đảo tranh chấp. Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này gần với các tuyến đường biển quan trọng.

 Hồi tháng 9-2010, Nhật Bản từng bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ở khu vực gần đảo Senkaku. Vụ việc này đã đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sau khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, Bắc Kinh đã nổi giận tung ra một loạt các biện pháp đáp trả như thắt chặt các hạn chế thương mại, huỷ các cuộc tiếp xúc, trao đổi về văn hoá, chính trị... giữa hai nước. Đặc biệt, Trung Quốc còn tuyên bố ngừng việc xuất khẩu đất hiếm sang nước láng giềng. Đất hiếm rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất công nghệ cao ở Nhật Bản. Cuộc khủng hoảng trên sau đó đã được giải quyết khi Nhật Bản thả thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước này vẫn thỉnh thoảng lại lục đục với nhau vì cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Gần đây, Tokyo có nhiều động thái thể hiện thái độ thách thức Bắc Kinh trong vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư như tổ chức một cuộc thi câu cá ở đảo này hay đưa người ra thăm đảo.

Căng thẳng giữa hai nước gia tăng trong những ngày qua, đặc biệt là sau khi các bộ trưởng Nhật Bản tới viếng đền Asukuni (A-xu-cu-ni) gây tranh cãi nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày phát-xít Nhật đầu hàng, kết thúc Thế chiến thứ hai.

 PHƯƠNG LINH (tổng hợp)


Mỹ kêu gọi Nhật, Trung kiềm chế


Sáng 16-8, Mỹ đã kêu gọi các bên có tranh chấp chủ quyền kiềm chế những "khiêu khích" sau khi Nhật Bản bắt giữ 14 người Trung Quốc trên đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước. "Chúng tôi hy vọng các bên tuyên bố chủ quyền sẽ giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp hòa bình", AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland (Vích-to-ri-a Nu-len) nói. Bà Nuland tái khẳng định lập trường của Washington (Oa-sinh-tơn) là không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm ở vùng biển Hoa Đông giàu tài nguyên.