Vẫn đáng lo
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 18:20, 18/08/2012
Ở góc độ nhất định, gia đình có cơ hội quản lý các em thường xuyên hơn, trong nhiều trường hợp giúp các em thoát khỏi những nguy hiểm từ xã hội với những thông báo kịp thời đến cha mẹ, anh chị em, các cơ quan chức năng... Tuy nhiên, bậc học THPT có ý nghĩa quyết định đến tương lai của các em. Trong bậc học này, mọi đầu tư cho con em mình cần phải hướng vào sự học hành, chuyện trang bị ĐTDĐ cũng nên vì việc đó. Do đặc tính lứa tuổi là năng động, nhạy bén, ham khám phá trong khi bản lĩnh chưa vững vàng, thích cái mới nhưng thiếu sự chọn lọc, khả năng “miễn dịch” với những tác động xấu từ môi trường xã hội thấp nên nhiều em đã lao vào thế giới ảo với những tin nhắn làm quen, những website không lành mạnh, quay clip xấu đưa lên mạng... Không được định hướng, không có khả năng làm chủ bản thân, nhiều em dùng ĐTDĐ mất nhiều tiền, lâm vào cảnh thiếu tiền, nợ nần rồi sinh ra lừa dối cha mẹ, bạn bè, bí quá sinh ra trộm cắp. Hậu quả là nhiều em học hành sa sút rõ rệt. Khi việc học không được quan tâm, các quan hệ phức tạp, lại bị ảnh hưởng bởi những văn hóa độc hại nên các em rất dễ sa vào lối sống thực dụng, vị kỷ, đạo đức xuống cấp và thực tế đã là nguyên nhân của nhiều vụ bạo lực học đường, trộm cắp...
Học sinh THPT thường ít trao đổi tâm tư, tình cảm với bố mẹ, ông bà và anh chị em. Nhiều vấn đề xã hội và học tập thay vì hỏi cha mẹ, ông bà, anh chị thì các em vào mạng qua những chiếc ĐTDĐ có kết nối in-tơ-nét để dò tìm. Tất nhiên, những đáp án trong đó có thể nhanh và dễ hiểu hơn, nhưng vô hình chung nó làm cho vai trò của người lớn giảm đi, xuất hiện tư tưởng “không cần” đến sự giúp đỡ của bố mẹ, ông bà.
Cũng do được trang bị ĐTDĐ có chức năng nghe nhạc nên hết thời gian trên lớp các em lại về phòng mình, mở nhạc, cắm tai nghe, không còn quan tâm tới những gì diễn ra xung quanh... lâu dần thành nếp sống và đó là biểu hiện của sự khép kín các quan hệ, sống trong thế giới ảo. Lúc này, quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn.
Ở trường, khi các em có ĐTDĐ thì phần nhiều là dành thời gian ra chơi giữa giờ cho việc nhắn tin, nghe nhạc, đọc báo, lướt web... khiến các em ít quan tâm đến nhau hơn. Số nhiều những vụ bạo lực học đường ngày nay có nguyên nhân quan trọng là sự thờ ơ, lãnh đạm với tình bạn học đường.
Với các quan hệ xã hội khác, các em ngày càng có xu hướng ít quan tâm hơn khi trên tay em là chiếc ĐTDĐ. Ta gặp nhiều em học sinh đi trên đường miệng ngậm kẹo, tai nghe nhạc, nghe điện thoại, vừa đi vừa hát, nhún nhảy theo, ai hỏi gì cũng kệ, ai nói gì cũng không biết. Nếu không có điện thoại, các em sẽ quan tâm nhiều hơn đến người xung quanh, lắng nghe được “nhịp sống” bên ngoài, làm cho các em thấy gần gũi với cuộc sống, với mọi người hơn, sẽ nảy sinh nhu cầu giao lưu, tạo nên tính cố kết cộng đồng, lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia khi cần.
Việc trang bị ĐTDĐ cho con em không quá khó so với khả năng kinh tế hiện có của gia đình mình. Còn nếu trang bị điện thoại cho các em cần thiết phải có sự quản lý, giáo dục và định hướng giá trị của gia đình, giáo viên. Không dùng ĐTDĐ đắt tiền, không chạy theo thị hiếu tiêu dùng, không dùng trong thời gian giáo viên lên lớp, giảng bài, trong sinh hoạt gia đình, cần có sự quản lý và giới hạn tiền dùng vào việc điện thoại hằng ngày, hằng tháng. Muốn làm được điều trên thì song song với nó là cần phát huy hơn vai trò của truyền thông trong việc định hướng và tạo dư luận tốt. Các nhà trường cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục về văn hóa ứng xử nơi công cộng.
BÙI VĂN MẠNH (Chí Linh)