Mưa lớn, úng ngập do bão số 5

Môi trường - Ngày đăng : 02:41, 19/08/2012

Từ ngày 17 đến sáng 18-8, bão số 5 ảnh hưởng gián tiếp đến tỉnh ta, gây ra mưa lớn trên diện rộng, gió mạnh cấp 6.



Cây đổ, nước ngập ở đường Quán Thánh (TP Hải Dương)


Lượng mưa bình quân đo được trong tỉnh từ 7 giờ ngày 17 đến 7 giờ ngày 18-8 đạt 151 mm. Nhiều nơi có lượng mưa lớn như: Bình Giang (197 mm), Chí Linh (173 mm), TP Hải Dương (172,5 mm), Thanh Hà (170 mm).

Sự cố điện, hàng loạt trạm bơm tiêu ngừng hoạt động

Theo Công ty TNHH một thành viên Điện lực tỉnh, bão số 5 đã gây ra sự cố ở 10 đường dây trung thế 35 kV, gây mất điện trên diện rộng ở trong tỉnh. Gió bão làm đổ hàng chục cột điện hạ thế ở các địa phương mà Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương mới tiếp nhận. Công ty đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên toàn ngành tập trung lực lượng, xử lý đường dây điện trung thế. Do vậy, đến trưa 18-8 đã cơ bản xử lý xong sự cố ở các đường dây trung thế. Công ty đang khẩn trương khắc phục sự cố đứt dây, đổ cột điện hạ thế.

Tại huyện Tứ Kỳ, đêm 17, rạng sáng 18-8, bộ cầu dao phụ tải 35 kV nhánh đường dây trạm bơm Đò Neo (xã Kỳ Sơn) và trụ sứ cột số 5 nhánh đường dây trạm bơm Lạc Dục (xã Hưng Đạo) đã bị hỏng do sét đánh. 2 trạm bơm bị tê liệt, công tác tiêu úng tại các khu vực trên bị đình trệ. Nhiều đoạn đường dây cao thế từ trạm 110 kV (xã Ngọc Sơn) về trung tâm huyện bị cành cây, mái tôn vắt ngang. Hệ thống đường dây hạ thế ở các xã Ngọc Sơn, Đại Đồng, Phượng Kỳ, Quang Phục...bị gió giật đứt, 2 cột điện ở xã Dân Chủ, Tái Sơn bị gãy, 1 cột điện ở xã Ngọc Kỳ bị đổ nghiêng. Nhiều xã khu Thượng của huyện bị mất điện. Ngay trong đêm 17-8, Điện lực Tứ Kỳ đã huy động 100% quân số bộ phận vận hành và sửa chữa tổ chức khắc phục các sự cố. Đến 8 giờ 30 phút ngày 18-8, các sự cố trên cơ bản được khắc phục. Điện lực đã đóng điện trên tất cả các trạm bơm tiêu úng và hầu hết địa bàn các xã, thị trấn. Các xã: Đại Hợp, Tân Kỳ, Quảng Nghiệp, Dân Chủ chưa có điện do trạm 110 kV Nghĩa An (Ninh Giang) chưa đóng điện. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện (PCLB-TKCN) huyện, tính đến 9 giờ ngày 18-8, toàn huyện có 1.600 ha lúa bị ngập úng (trong đó có 360 ha bị ngập nặng, 100 ha ngập trắng), 200 ha rau màu bị ảnh hưởng, 300 ha ao nuôi thủy sản cũng bị ngập nặng. Có khoảng 10 nghìn cây chuối bị đổ gãy, 5 nhà bị tốc mái, hàng trăm cây cối, biển quảng cáo, biển báo hiệu trên các tuyến đường giao thông bị đổ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, toàn huyện có khoảng 1.900 ha cây trồng bị ngập, trong đó có 1.300 ha cây ăn quả (vải, ổi, quất, đu đủ, chuối) và 600 ha lúa. Tại xã Thanh Lang, 34 ha sắn dây bị sập giàn. Một số ao cá ở xã Thanh Bính bị tràn. Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 17-8, mưa bão kèm theo sét đã làm cho đường điện cao thế qua cầu Hợp Thanh bị đứt khiến cho nhiều trạm bơm phải ngừng hoạt động. Gió bão còn làm đổ nhiều cột điện hạ thế, cây xà cừ các ở xã Quyết Thắng, Thanh Hải, Tiền Tiến. Nhà để xe của Trường THCS Thanh Sơn hư hỏng do cây đổ. Bà Trần Thị Phương ở thôn Nhân Hiền, xã Hợp Đức cho biết: “Vườn nhà tôi trũng nên chỉ cần một trận mưa to đã úng. Tôi đã dùng máy bơm nhỏ để bơm nước ra ngoài nhưng ít hiệu quả. Nếu nước tiêu thoát chậm thì hơn 5 sào vải, quất, ổi của tôi rất dễ bị hỏng”.

Tại huyện Kim Thành, bão đã làm tốc 60 mái nhà tạm, mái che, mái vẩy ở xã Việt Hưng, 3 cây to đổ vào nhà dân, rất may không có thiệt hại về người. Hơn 1.000 ha lúa bị ngập úng, trong đó có 420 ha lúa bị ngập nặng. Hầu hết diện tích hoa màu, chuối, ngô bị táp lá, gãy. Nhà của ông Phạm Xuân Hòa ở thôn Cam Đông, xã Việt Hưng bị tốc mái hoàn toàn. Cây đổ làm sập 3 ngôi nhà khác và khoảng 25 hàng quán, công trình phụ bị hư hại; 30 ha chuối bị gãy. Các cơ quan chức năng và nhân dân đang khẩn trương lợp lại mái nhà bị tốc, dọn dẹp cây đổ, chống ngập, úng cho cây trồng.



Nhà ông Nguyễn Văn Sáng, thôn Cam Đông, xã Việt Hưng (Kim Thành) bị sập do cây đổ.



Huyện Bình Giang có hơn 600 ha lúa bị ngập, trong đó khoảng 70 ha ngập nặng, chủ yếu ở 2 xã Thúc Kháng và Thái Hòa. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã chỉ đạo tất cả các xã có diện tích lúa ngập úng phải huy động các trạm bơm hoạt động hết công suất, khẩn trương tiêu thoát nước. Mưa bão cũng làm một số cây xanh trên địa bàn huyện bị đổ.

Tại thị xã Chí Linh, khoảng 7 giờ sáng, cháu Trần Quang Huy (4 tuổi) ở phường Bến Tắm đi ra bờ suối và bị nước cuốn trôi. Ngoài ra, hồ Hố Cá (phường Bến Tắm), hồ Vành Liệng bị hư hỏng nhỏ, hơn 900 ha lúa, rau màu bị ngập, úng. Trong đó có 560 ha lúa bị ngập 2/3 cây; 155 ha bị ngập "phất phơ"; 181 ha ngập trắng. Các địa phương có diện tích ngập lớn như phường Chí Minh 163 ha, xã Tân Dân 151 ha... Xí nghiệp Khai thác Công trình Thủy lợi thị xã đã huy động 70 máy bơm công suất từ 1.000 m3/giờ 4.000 m3/giờ chạy hết cống suất để kịp thời tháo nước khỏi ruộng.

Nhiều tuyến đường ở TP Hải Dương bị ngập sâu


Mưa lớn kéo dài từ đêm 17 đến rạng sáng 18-8 khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố như: Quán Thánh, Hoàng Diệu, Trần Cảnh, Phan Bội Châu, Ngô Quyền, Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Ngọc Du, Vũ Hựu, Nguyễn Thị Duệ, Đặng Quốc Chinh... cùng một số tuyến đường nhỏ trong các khu dân cư ở các phường Bình Hàn, Cẩm Thượng, Thanh Bình, Tân Bình bị ngập nặng. Theo quan sát của chúng tôi vào sáng 18-8, hầu hết các tuyến đường tại khu 18, phường Thanh Bình đều ngập, nhiều điểm ngập sâu nên người điều khiển xe máy không thể di chuyển. Nhà bà Nguyễn Thị Xuân (63 tuổi) ở khu tập thể cũ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh bị tốc khoảng 2 m2 mái, nước mưa tràn vào trong nhà. Sáng 18-8, 2 tuyến đường Quán Thánh và Chi Lăng chìm trong nước, nhiều điểm ngập sâu 0,4-0,5 m. Nước tràn vào nhiều nhà dân. Người dân đã dùng bạt, gỗ để chắn nhưng nước mưa quá lớn vẫn tràn vào nhà. Anh Nguyễn Năng Thuận ở số nhà 40, phố Quán Thánh cho biết: "Lúc 4 giờ sáng tôi tỉnh dậy đã thấy nước vào nhà. Tôi phải lấy bạt ni-lông chắn trước cửa để ngăn rác và nước vào. Từ tháng 7 đến nay, nhà tôi đã có 3 lần bị nước ngập". Mưa lớn cũng biến đường Ngô Quyền thành... "sông". Nhiều xe ô-tô, xe máy cố đi trong nước đã bị chết máy. Đến chiều 18-8, các đường Nguyễn Lương Bằng, Ngô Quyền, Quán Thánh... vẫn bị ngập.

Ông Nguyễn Đình Khanh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị Hải Dương cho biết, ngay từ chiều 17-8, công ty đã vận hành toàn bộ hệ thống trạm bơm để bơm hết nước đệm ở các ao, hồ, kênh thoát nước. Tuy nhiên, việc tiêu thoát nước rất chậm do lượng mưa quá lớn, vượt xa khả năng tiêu thoát của toàn hệ thống. Thêm nữa, rạng sáng 18-8, khu vực Bình Hàn, Đồng Niên bị mất điện, không vận hành được các trạm bơm. Hiện tại, 19 trạm bơm thoát nước do công ty quản lý đang hoạt động hết công suất nhưng chỉ có 2 trạm bơm có công suất thiết kế tương đối lớn là Ngọc Châu (40 nghìn m3/giờ), Đồng Niên (16 nghìn m3/giờ). Trong buổi sáng 18-8, công ty cũng đã huy động 100% lực lượng để thu dọn rác, cây đổ trong đêm, đồng thời phân công công nhân túc trực, mở các nắp cống để khẩn trương thoát nước. Theo ông Khanh, nếu với tốc độ bơm như hiện tại, phải 3 ngày nữa mới có thể tiêu thoát hết lượng nước ngập (trong điều kiện trời không mưa).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển:
Huy động nhân lực, vật lực chống úng và khắc phục thiệt hại



Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển kiểm tra tình hình sạt lở

tại kè Vụng Tường, xã Cộng Hòa (Kim Thành)


Ngày 18-8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 5 tại các huyện Kim Thành, Thanh Hà và thị xã Chí Linh.

Tại những nơi đến kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương tinh thần chủ động phòng, chống bão, úng của các địa phương. Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống một số địa phương vẫn còn chậm, nhất là việc khắc phục các sự cố mất điện, làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần huy động hết nhân lực, vật lực vào việc chống úng và khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra. Các địa phương cần thống kê đầy đủ, chi tiết thiệt hại gửi về UBND huyện, thị xã để báo cáo UBND tỉnh.
PV-CTV