Mỹ sẽ lập lá chắn đối phó tên lửa Trung Quốc

Bình luận - Ngày đăng : 09:45, 25/08/2012

Lá chắn tên lửa mới của Mỹ có thể bao gồm một hệ thống radar tối tân được lắp đặt ở phía nam Nhật Bản và một hệ thống khác ở khu vực Đông Nam Á.

Hình ảnh được cho là tên lửa DF-41 đang lan truyền trên Internet Trung Quốc - Ảnh: sina.com

Lầu Năm Góc Mỹ đang lên kế hoạch thiết lập một hệ thống lá chắn tên lửa mới được trang bị những thiết bị siêu mạnh ở khu vực châu Á nhằm đối phó với năng lực tên lửa ngày càng tăng của Trung Quốc và ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên.

Lá chắn tên lửa mới của Mỹ có thể bao gồm một hệ thống radar tối tân được lắp đặt ở phía nam Nhật Bản và một hệ thống khác ở khu vực Đông Nam Á, tờ Nhật báo Phố Wall hôm 23-8 đưa tin. Các hệ thống radar này sẽ liên kết với những tàu phòng thủ tên lửa và hệ thống đánh chặn trên đất liền để tạo thành một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ, bộ phận nòng cốt của lá chắn tên lửa mới của Mỹ ở châu Á sẽ là một hệ thống radar cảnh báo sớm siêu mạnh và cực kỳ tối tân. Nó được biết đến với các tên X-Band.

X-band là một trong những hệ thống radar cảnh báo sớm hiện đại nhất trên thế giới, có nhiệm vụ phát hiện và cảnh báo tên lửa đạn đạo của đối phương nhắm vào lãnh thổ Mỹ. Hệ thống này có thể phát hiện các tên lửa đạn đạo ngay sau khi rời bệ phóng 10 giây nhằm giúp các tên lửa đánh chặn khai hỏa kịp thời cùng vạch ra hành trình đạn đạo dựa trên dữ liệu từ tên lửa đối phương để tiêu diệt nó sớm ngay cả trên phần đất kẻ thù. Công ty Raytheon chế tạo hệ thống radar trên cho biết, nó có thể phát hiện ra một vật thể chỉ bằng quả bóng chày từ cách xa 4.700km.

Theo kế hoạch, hệ thống radar tối tân nói trên sẽ được Mỹ triển khai ở một hòn đảo phía nam Nhật Bản. Hiện tại, các quan chức Mỹ và Nhật Bản đang bàn bạc, thỏa luận về kế hoạch này. Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết, hệ thống radar này có thể được lắp đặt chỉ trong vòng vài tháng tới, sau khi Nhật Bản chính thức đồng ý.

Hệ thống X-Band mới sẽ phối hợp với một hệ thống radar X-Band đã được lắp đặt ở tỉnh Aomori miền bắc Nhật Bản từ năm 2006. Và một hệ thống X-Band thứ ba có thể được triển khai ở một nước Đông Nam Á. Có nguồn tin cho rằng, đó sẽ là Philippines.

Bộ ba hệ thống radar trên sẽ tạo thành một vòng cung bao phủ Triều Tiên, Trung Quốc và thậm chí có thể là cả Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Thông tin trên được “tung” ra ngay sau khi một quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ trên tờ Tạp chí Quốc phòng hàng tuần Jane's rằng, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa vừa thử nghiệm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hôm 24-7 có tầm bắn đến bất kỳ thành phố nào của nước Mỹ.

Tên lửa DF-41 của Trung Quốc có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân và mỗi đầu đạn này được lập trình để tấn công một mục tiêu riêng rẽ khác nhau, tạp chí Jane’s cho biết.

Lầu Năm Góc cũng quan ngại về việc Trung Quốc đang phát triển một tên lửa chống hạm được ví là “sát thủ tàu sân bay”. Tên lửa này có thể tấn công Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Những tên lửa chống hạm này có tầm bắn khoảng 1.000km và được thiết kế để ngăn tàu Mỹ tiến đến biển Đông.

Việc Mỹ chuẩn bị lắp đặt một hệ thống lá chắn tên lửa của Châu Á chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng dữ dội của Trung Quốc. Bắc Kinh từng phản đối gay gắt việc Mỹ lắp đặt X-Band ở Nhật Bản năm 2006.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã từ chối bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc thì khẳng định, “mối đe dọa trực tiếp” từ Triều Tiên là “lý do khiến họ đưa ra quyết định thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa”. Mặc dù Mỹ không hề đả động gì đến Trung Quốc nhưng chắc chắn ai cũng hiểu rằng, cường quốc châu Á này là một trong những mục tiêu chính của hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ ở châu Á.

Sự gia tăng quốc phòng của Mỹ tại châu Á khiến Trung Quốc như "ngồi trên đống lửa". Nước này vốn đã đang “phát sốt” lên vì một loạt những động thái quân sự mà Mỹ triển khai ở khu vực trong thời gian gần đây. Mới đây nhất, hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đã tuyên bố, Mỹ đang có kế hoạch điều chuyển phần lớn các chiến hạm của mình tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020. Theo lời ông Panetta, khi đó, khoảng 60% hạm đội của Mỹ sẽ được triển khai ở đây.

Kiệt Linh(VnM)