Bác Hồ đặt tên cho con gái nhà văn Đào Vũ
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 22:28, 27/08/2012
Nhà văn Đào Vũ (1927-2005), tên khai sinh là Đào Văn Đạt, quê làng Lưu Xá, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi (Hưng Yên). Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông làm Chủ tịch UBND xã, rồi chuyển làm cán bộ tuyên huấn tỉnh, sau phụ trách công tác Hoa vận, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được cử sang Trung Quốc học. Năm 1957, ông về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, là ủy viên Ban Chấp hành khóa III, quyền Tổng Biên tập Báo Văn nghệ. Ông là tác giả của hàng chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Năm 1958, sau chuyến đi thực tế một năm ở HTX Vũ La (Hải Dương), ông cho xuất bản tập tiểu thuyết Cái sân gạch (1959), là một cuốn sách nổi tiếng về xây dựng HTX nông nghiệp sau cải cách ruộng đất.
Gia đình nhà văn Đào Vũ có hai vinh dự lớn: Vợ ông là nghệ sĩ pi-a-nô, đã có lần hướng dẫn đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng cây đàn này. Vinh dự thứ hai là năm 1958, vợ chồng ông sinh con gái đầu lòng, nhưng chưa biết đặt tên con là gì. Nhà văn từng đặt tên cho hàng trăm nhân vật trong các tác phẩm của mình một cách dễ dàng, nhưng đặt tên cho đứa con mình đẻ ra bằng xương bằng thịt mà sao khó quá. Sau khi suy nghĩ, vợ chồng nhà văn liền nảy ra một ý nghĩ táo bạo: Viết thư gửi Bác Hồ, nhờ Bác đặt tên cho con gái. Gửi thư đi rồi, Đào Vũ chợt nghĩ: Bác bận trăm công nghìn việc quốc gia, việc nhỏ nhoi thế này mà mình lại nhờ Bác, chắc gì Bác đã có thời gian trả lời.
Nhưng thật bất ngờ, hôm sau Bác cho người cần vụ trong Phủ Chủ tịch mang thư đến tận nhà nhà văn Đào Vũ. Ngoài bì Bác đề rõ “Đưa đến tận nhà”. Khỏi phải nói vợ chồng nhà văn mừng và cảm động đến mức nào, tay bóc thư mà nước mắt rưng rưng. Thư Bác viết: "Cả nước đang chuyên tâm tăng gia và thực hành tiết kiệm, Bác đặt tên cho cháu là Tăng Kiệm - Đào Tăng Kiệm". Một cái tên thật bình thường, giản dị, thiết thực và gần gũi - khác với các văn nghệ sĩ thường đặt cho con những cái tên mỹ miều hoa lá.
Nhà văn Đào Vũ chuyên viết về văn xuôi và dịch văn xuôi (chủ yếu là văn học Trung Quốc), ông chưa bao giờ làm thơ, nhưng trước tình cảm của Bác đối với gia đình, lần đầu tiên Đào Vũ làm thơ. Bài thơ có tựa là: "Bác đặt tên cho cháu Tăng Kiệm":
Chính Người đã âu lo suốt đời cho sông núi
Hai vai Người gánh giang sơn, trời biển.
Người vẫn còn chăm chút từng cháu sơ sinh...
... Đêm đã khuya, con biết Bác còn chưa ngủ
Xin Bác an tâm
Nôi cháu đã buông mùng.
Khi bé Tăng Kiệm đã bước vào tiểu học, vợ chồng nhà văn Đào Vũ kể chuyện với con về cái tên Tăng Kiệm được Bác Hồ đặt cho, bé rất vui sướng, liền viết thư gửi lên Bác, hứa sẽ chăm ngoan học giỏi. Năm Tăng Kiệm lên 10 tuổi - đúng vào dịp 1-6-1969, bé cùng các bạn được vào thăm Bác tại Phủ Chủ tịch, khi ấy Tăng Kiệm đã bắt nhịp để các bạn cùng hát vang "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng..." bằng tất cả lòng kính yêu, tha thiết dâng trào.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN(st)