Phố huyện Cẩm Giàng xưa và nay

Kinh tế - Ngày đăng : 10:00, 01/09/2012

Thị trấn Cẩm Giàng gắn liền với những trận đánh táo bạo của du kích đường 5 và thời thơ ấu của anh em nhà văn Thạch Lam...

Ai từng đọc truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam sẽ không thể quên hình ảnh một phố huyện với chiếc ga xép nhỏ, phố chợ lèo tèo vài quán hàng, những con người lam lũ, huyện đường buổi chiều buông trống thu không… Nguyên mẫu của phố huyện đó chính là huyện lỵ Cẩm Giàng xưa và thị trấn Cẩm Giàng ngày nay. Ngót đời người trôi qua, phố huyện Cẩm Giàng đã có nhiều đổi khác. Chúng tôi về thị trấn Cẩm Giàng vào một ngày tháng 8. Thị trấn hiện ra với khu chợ nhộn nhịp, những dãy phố buôn bán khá tấp nập, những ngôi nhà hiện đại mọc lên ở các khu dân cư mới. Nhưng trong cảm nhận của tôi, thị trấn vẫn thấp thoáng bóng dáng của một phố huyện xưa.

Theo “Lịch sử Đảng bộ thị trấn Cẩm Giàng”, thị trấn là mảnh đất cổ có tên là Kim Quan. Qua các thời đại phong kiến, huyện Cẩm Giàng có 59 vị đỗ đại khoa, trong đó riêng Kim Quan có 8 vị. Năm 1655, thời hậu Lê, Kim Quan đã được chọn là nơi xây dựng văn chỉ để ghi danh tiền nhân. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), một phần Kim Quan được chọn làm huyện lỵ Cẩm Giàng. Dân cư ban đầu là nông dân Kim Quan, sau còn có dân từ các miền quê xa đến mưu sinh, trong đó có một bộ phận người Hoa. Năm 1902, đường xe lửa Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào sử dụng, chạy qua huyện lỵ. Ga Cẩm Giàng trở thành đầu mối quan trọng trung chuyển hành khách và hàng hóa. Sống dưới chế độ của thực dân phong kiến, phần đông dân phố huyện là người lao động nghèo khổ, sống bám vào chợ, ga, với đủ loại công việc cực nhọc. Thời đó, phố huyện còn có Trường Kiêm bị (trường tiểu học) cho cả huyện. Từ đây đã xuất hiện ba nhà văn nổi tiếng, là anh em ruột đã sáng lập ra nhóm Tự lực văn đoàn (1932-1942): Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam. Hiện nay, thị trấn đã có đường mang tên Thạch Lam.



Dấu tích phố huyện Cẩm Giàng xưa là cầu Giằng (cầu Cẩm Giàng) có đường sắt chạy qua xây dựng năm 1901


Để hình dung lại phố huyện Cẩm Giàng xưa, tôi tìm gặp bà Vũ Thị Út, nguyên là Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giàng. Nhà bà Út ở phố Ga. Bà Út kể: “Tôi sinh ra tại đây (năm 1936), nhà chỉ có hai chị em gái, mẹ làm nghề bán hàng. Trước cách mạng, phố huyện rất nhỏ, chỉ độ 30 nóc nhà, tập trung ở khu vực chợ và ga. Trong đó, chỉ có nhà bà Tám, nhà Năm Phấn, nhà bà Thông Nhu (mẹ ba anh em Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo) và một vài gia đình người Hoa là xây gạch, còn lại đều là nhà gianh vách đất. Phố huyện có một nhà ga nhưng rất bé. Gần đó là chợ lèo tèo mấy quán hàng. Phố huyện khi ấy cũng toàn đường đất, mỗi trận mưa là lầy lội, bẩn thỉu. Năm đói Ất Dậu 1945, người tứ xứ kéo về phố huyện ăn xin rất đông. Họ nằm vạ vật ở ga, ở hè phố, gốc cây. Có người đói quá cướp đậu ăn, bị người ta đánh cho đổ bệnh chết. Mỗi sáng ở cái phố huyện nhỏ này có vài người chết đói”.
Ông Đinh Quốc Khánh, Bí thư Đảng bộ thị trấn Cẩm Giàng cho biết: Mặc dù là huyện lỵ nhưng thị trấn Cẩm Giàng xưa là nơi bùng lên ngọn lửa cách mạng sớm nhất. Trong những năm 1936-1939, tại phố huyện Cẩm Giàng đã xuất hiện các Hội Tương tế, Hội Ái hữu. Năm 1943, các hội này đã tham gia quyên góp tiền cứu đói, bán tín phiếu giúp đỡ người nghèo. Cuối năm 1944, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện gồm 4 đồng chí do đồng chí Ngô Thị Sâm làm Bí thư cũng được thành lập và hoạt động tại đây, trong đó có hai đồng chí là người thị trấn. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, ngày 17-8-1945, nhân dân phố huyện đã tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Hàng nghìn người mang gậy gộc xông vào chiếm huyện đường, tước vũ khí, thu ấn tín, bắt tri huyện Nguyễn Thiện Thuật, phá kho thóc chia cho người nghèo, trở thành một trong những điểm nổi dậy đầu tiên của tỉnh. Ngày 20-8-1945, cũng tại phố huyện, lực lượng Việt Minh cùng nhân dân các xã trong huyện đã dự cuộc mít tinh mừng chính quyền cách mạng huyện Cẩm Giàng ra mắt. Đồng chí Nguyễn Đình Thụ, người cán bộ ưu tú của thị trấn đã được cử giữ chức Chủ tịch lâm thời huyện Cẩm Giàng.

Bà Út tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi. Thời kỳ đó, thực dân Pháp biến huyện lỵ Cẩm Giàng thành nơi đóng quân. Xung quanh thị trấn, chúng xây dựng 4 lô cốt với hệ thống hỏa lực và các trận địa pháo dày đặc. Có thời kỳ số lính của giặc đóng ở huyện lỵ lên tới 3.000, đông hơn cả dân phố huyện. Tuy bị kìm kẹp nhưng nhân dân phố huyện vẫn một lòng với cách mạng. Ngày 14-3-1949, lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng của huyện và phố huyện đột nhập đánh địch giữa ban ngày, kéo cờ đỏ sao vàng trên tháp nước nhà ga, làm chủ địa bàn trong nhiều giờ.



Phố Ga thị trấn Cẩm Giàng ngày nay


Từ năm 1955, phố Cẩm Giàng không còn là huyện lỵ nữa mà trực thuộc xã Kim Giang. Năm 1958, theo Quyết định của Ủy ban Hành chính khu Tả Ngạn, phố huyện Cẩm Giàng được tách ra thành lập thị trấn Cẩm Giàng. Từ đây, thị trấn Cẩm Giàng độc lập về hành chính và không ngừng phát triển. Ngày nay, tên những phố xưa vẫn được dùng, nhưng phố huyện Cẩm Giàng đã được mở rộng mấy chục lần. Diện mạo thị trấn không ngừng thay da đổi thịt. Năm 2001, Trường THCS, Trạm Y tế được kiên cố hóa. Năm 2002, nhà máy và hệ thống cung cấp nước sạch được xây dựng đáp ứng nhu cầu của người dân. Các đường ngõ xóm cơ bản bê-tông hóa từ năm 2007. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Sau hơn 50 năm phát triển, thị trấn Cẩm Giàng đang được quy hoạch để trở thành đô thị loại 5. Trong sự phát triển của thị trấn Cẩm Giàng sẽ có những công trình là điểm nhấn, như: Văn chỉ huyện Cẩm Giàng, Đài chiến thắng. Đặc biệt một công trình văn hóa gắn liền với hình ảnh của phố huyện Cẩm Giàng đó là Công viên Tự lực văn đoàn. Công trình vừa được huyện Cẩm Giàng công bố quy hoạch chi tiết. Theo quy hoạch, khu công viên sẽ được xây dựng trên cố trạch của Tự lực văn đoàn trên diện tích 23.789 m2, với các hạng mục: đường đi vào khu di tích, nhà Bát Giác, nhà khách, thư viện... Dự án được chia làm 2 giai đoạn (từ 2012- 2020), trong đó, giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn vốn huy động khác.

Thị trấn Cẩm Giàng đang hướng tới một địa chỉ cách mạng và văn hóa, nơi dừng chân của những người yêu mến một trào lưu văn học đã góp phần làm nên diện mạo nền văn học Việt Nam.

NGUYÊN DÃ