Kim Chuông với “Giọt nắng đi tìm”

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 13:36, 01/09/2012



Với 15 tập thơ đã xuất bản, ở “Giọt nắng đi tìm”, Kim Chuông lại khẳng định một thành công khi nghiêng về sự khám phá, phát hiện một thế giới khác. Thế giới của “Nước Thánh”. Thế giới của tâm hồn ngây thơ, trong trẻo  của trẻ em.

Có tới hơn hai mươi năm tham gia giảng dạy lớp học sinh có năng khiếu sáng tác văn học, thật có lý khi Kim Chuông nhìn rõ, “Cái “mở” ra trước mắt ở lứa tuổi các em lúc này là “trực giác”. Bởi, các em đâu phải người đã có nhiều trải nghiệm”. Cũng bởi vậy, Kim Chuông đã nhập vào thế giới hồn nhiên với cái nhìn tươi vui, ngộ nghĩnh thế này: Gió không có cánh/Mà bay vù vù/Tay gió đâu nhỉ/Mà cành tre đu/Gió biết lau khô/Cả bờ tường ướt/Gió biết chở nước/Từ mặt biển về/Gió biết ngâm thơ/ Trên hồ biển rộng/Gió biết đưa võng/Trên những tàu dừa/Gió biết đánh thức/Cây bàng ngủ trưa... (Gió).

Vẫn là khả năng quan sát, khả năng tái tạo và sáng tạo, Kim Chuông đã làm sống động tất cả cái “thế giới trước mắt” các em, từ cụ thể tới trừu tượng. Rồi từ trừu tượng lại được quay về sự “cá thể hoá ” :
“Lá thông như mũi kim/Có khâu gì đâu nhỉ/Nõn mơ vừa mới nhú/ Lông lá đã đầy người/Ru gió chiều à ơi/Là những tàu lá chuối/ Lớn cồ sao lại gọi/Lá khoai dại bờ ao/ Lá xương rồng lạ sao/Lá chính là cây đó … 

Vâng. Cái khó là thế. Trước thế giới vạn vật, nhà thơ biết đứng ở chỗ nào, xới lật thế nào để có được cái óng ánh, nên thơ ấy. Dễ thấy, Kim Chuông thật tinh tế. “Thi sĩ của các em” đã lách vào những hiện tượng thiên nhiên, những cái nhỏ, tĩnh, ngỡ khó bề cất lên thi hứng. Từ chùm mây, giọt mưa, tia nắng…với Kim Chuông bỗng “phát lộ” những sức gợi, sức mở thật phong phú, bất ngờ. Đấy là khi nhà thơ tìm thấy từ hiện tượng thiên nhiên. Còn khi phát hiện trong sinh hoạt, trong nhận biết của đời sống trẻ nhỏ để thấy được cái tươi non, ngộ nghĩnh giữa người già và các em, Kim Chuông viết: Râu ông bạc trắng/ Đầu hói nhẵn đi/ Đã hai chân kia/ Lại còn chống gậy…(Bé và ông). Hoặc khi nhà thơ đặt ra những câu hỏi để các em bơi trong kỳ thú và cùng “ngộ” ra cái điều cần có lời giải đáp. Ví như: Ông trời đứng lên bằng gì/Trăng đã già rồi lại trẻ/Cái mưa nhiều tên đến thế/Mưa rào còn có mưa bay/Gió nào là gió heo may/Mắt sấm ở đâu mà chớp/Có thật cầu vồng bảy sắc/Sao trời chẳng gọi là sông”… (Trang sách). Hoặc: Ông ở Thái Bình/Lại là ông ngoại/Sài Gòn xa hơn/Sao là ông nội/Cụ ngoại đầu hói/Cái tóc đi đâu/Cằm ông có râu/Cháu thì nhẵn nhụi”… (Hỏi chuyện)...

Nắm chắc đặc điểm, đặc thù của sự vật, Kim Chuông liên tục đẩy những liên tưởng, ví von, so sánh đi thật xa, thật bay bổng mà ánh sáng vẫn bám chặt cái “gốc hội tụ”.

Phải nói, mạch đi này, Kim Chuông luôn tỏ ra sự dồi dào, sung sức. Bài thơ nào của Kim Chuông cũng ngập đầy thi liệu và có được những ý thơ, những hình ảnh thơ cuốn hút, gợi và hay.  Từ cảnh sinh cảnh. Cảnh sinh tình. Cảnh sinh sự. Sự sinh ý. Ý sinh ra bao sợi dây liên tưởng để dẫn tới một kết cục bất ngờ mang chiều sâu của tư tưởng, tình cảm lắng thấm. Ví như: Bạn nhỏ li ti/Mặn mà thơm trắng/Là biển là nắng/Nhưng lại là mình/Bạn là hạt muối/Riêng màu kết tinh”… (Hạt muối). Hoặc: Ve lột xác rồi/Lại thành ve khác/Con ve lột xác/Không thay được hồn… (Con ve)…

Thơ viết cho các em rất khó. Bởi thơ viết cho các em đâu phải chỉ ở thơ ngắn câu, ít chữ. Thơ nhỏ gọn ở một góc nhìn. Mà cái nguồn, cái lõi của nó phải “là hồn”. Là cái tươi non, trong trẻo, là sự giàu có mộng mơ và liên tưởng...

Bên cạnh một mảng thơ trữ tình, giàu triết luận, ở “Giọt nắng đi tìm,” thơ viết cho các em, người đọc lần nữa thêm tin yêu và đón đợi ở Kim Chuông trên dặm dài tìm kiếm.

BÙI VIỆT VƯƠNG