Khơi thông một dự án mới

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:17, 02/09/2012

Dự án "Xây dựng hệ thống cấp nước sạch nông thôn liên xã thuộc hai huyện Gia Lộc-Tứ Kỳ" sử dụng nguồn vốn ODA Hà Lan đáp ứng nguyện vọng của người dân.



Nhà máy Nước sạch Việt Hòa sẽ là nguồn cung cấp nước cho dự án và chuẩn bị được nâng công suất lên gấp đôi


Người dân "khát" nước sạch

Hiện nay, trong khu vực dự án chưa có hệ thống cấp nước bảo đảm chất lượng nước sạch. Nhu cầu dùng nước sạch của người dân để sinh hoạt và sản xuất đang rất bức xúc. Người dân ở khu vực này chủ yếu sử dụng nước giếng khoan tay (kiểu giếng UNICEF) độ sâu từ 40-50 m, nước có hàm lượng sắt cao (hơn 15mg/lít), nhưng chỉ được xử lý sơ bộ bằng lọc qua cát và khử trùng; giếng khơi có độ sâu trung bình 5-10m, hầu hết nước có hàm lượng sắt cao, tạp chất hữu cơ lớn, trữ lượng không ổn định, thường được sử dụng để tắm giặt, chăn nuôi gia súc… và nước mưa để ăn uống, nhưng chỉ khoảng 40% số hộ dân có bể chứa nước mưa, phần lớn có dung tích nhỏ (chỉ từ 1- 3 m3), không trữ đủ nước dùng cả năm. Về mùa khô, nhiều gia đình thường phải mua nước sạch do các xe téc bán lưu động với giá 40 - 50 nghìn đồng/m3. Lãnh đạo UBND xã Phương Hưng (Gia Lộc) cho biết, nguồn nước ngầm ở 2 thôn Chằm và Tó rất khó sử dụng vì có vị mặn, màu vàng đục. Đến mùa đông, mùa xuân, nhiều hộ dân ở 2 thôn này phải bỏ tiền mua nước sạch. Nhiều hộ nghèo phải sử dụng nguồn nước sông, hồ, ao, giếng khơi, giếng khoan không qua xử lý cho sinh hoạt, thậm chí cả cho ăn uống. Theo kết quả điều tra, khảo sát mới đây trên địa bàn huyện Gia Lộc, so với Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 01- 2009/BYT), các mẫu nước mưa trong bể chứa của gia đình ông Nguyễn Quang Đinh ở thôn Phương Khê, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) có độ kiềm gấp hơn 2 lần và chất măng-gan cao hơn; nước giếng khoan tại nhà ông Nguyễn Huy Toàn ở Quán Phe, xã Hồng Hưng có độ màu gấp gần 6 lần, có mùi tanh, độ kiềm cũng gấp hơn 2 lần; nước giếng khơi nhà bà Phạm Thị Hảo, thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu có độ màu cao gấp hơn 6 lần, độ đục gấp trên 10 lần, nhiễm nhiều loại kim loại nặng, độ kiềm cao...

Trong những năm qua, do tăng trưởng kinh tế, phát triển dân cư và đô thị, nhiều ao, hồ trên địa bàn các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ bị san lấp, chất thải công nghiệp, nông nghiệp tăng làm nguồn nước ngầm và nước mặt trở nên ô nhiễm trầm trọng. Anh Đào Văn Thực ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) cho biết: các hộ trong khu chuyển đổi thường xuyên thiếu nguồn nước sạch cho việc nuôi thủy sản. Nguyên nhân là do không còn hệ thống kênh dẫn nước vào và thoát nước. Nguồn nước ô nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ người dân.

Nước sạch... không còn xa


Việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch bổ sung cho khu vực nông thôn của 2 huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ và vùng lân cận  là nguyện vọng của nhân dân. Dự án ban đầu "Xây dựng hệ thống cấp nước sạch nông thôn liên xã Đoàn Thượng, Thống Kênh, Toàn Thắng, Hoàng Diệu, Hồng Hưng, Liên Hồng, thị trấn Gia Lộc" đã được mở rộng sang 2 xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) và Hồng Đức (Ninh Giang), sử dụng nguồn vốn tài trợ Chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng (ORIO) của Chính phủ Hà Lan. Theo ký kết giữa tỉnh ta và Chính phủ Hà Lan, từ giai đoạn xây dựng đến vận hành, gói tài trợ này trị giá khoảng 2 triệu euro (ơ-rô), chiếm gần 50 % tổng dự toán; số vốn còn lại được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và vay tín dụng. Mục tiêu xã hội của dự án là xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng thiếu nước, tạo điều kiện cho các hộ dân nghèo tiếp cận nguồn nước bảo đảm chất lượng, giảm bệnh tật và nghèo đói; đáp ứng nhu cầu về nước sạch cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, mở rộng thị trường, tạo việc làm cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Dự án này đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước mới, với công suất cấp nước khoảng 10 nghìn m3/ngày đêm vào năm 2015, bảo đảm cho hơn 55 nghìn người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Dự kiến đến năm 2013 sẽ có khoảng 85% và đến năm 2015 có 100% số dân địa phương được sử dụng nước đã qua xử lý, tiêu chuẩn 100 lít/người/ngày. Mục tiêu dài hạn là xây dựng được hệ thống cấp nước có xử lý theo tiêu chuẩn nước sinh hoạt tập trung, kiểm soát được chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, các nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp nằm trên địa bàn hai huyện, đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị đến năm 2015.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương (đơn vị chủ đầu tư), từ đầu năm nay, dự án đã triển khai các khâu chuẩn bị. Công ty cũng chủ động điều tra, khảo sát thực trạng cấp nước ở từng xã thuộc dự án, hoàn thiện báo cáo đầu tư, dự kiến các phương án kỹ thuật  xây dựng hệ thống cấp nước sạch theo đúng quy hoạch, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, cấp nước ổn định và đủ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trước mắt cũng như trong tương lai. Sau khi đã phân tích các tiêu chí kinh tế, kỹ thuật, phương án cấp nước được lựa chọn là xây dựng khoảng 10 km tuyến ống chính bằng chất dẻo HDPE đường kính 350-400 mm (chạy dọc theo đường 62m), chuyển nước từ nhà máy nước Việt Hòa, qua trạm bơm tăng áp ở khu vực thị trấn Gia Lộc cấp cho toàn bộ khu vực dự án. Các đường ống nhánh có đường kính 110 - 280 mm, cấp nước vào các tuyến ống dịch vụ đến hộ sử dụng. Mục tiêu là bảo đảm đưa nước lên cao từ 8 đến 10 m ở điểm bất lợi nhất... Ưu điểm của phương án này là đầu tư thấp, thuận tiện trong quản lý chất lượng nước và vận hành hệ thống sau này, phù hợp với phương châm của ngành kinh doanh nước sạch: "tránh đầu tư manh mún, chú trọng hiện đại hóa, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng nước sau xử lý, đạt hiệu quả kinh tế trong quản lý và vận hành". Nhà máy nước Việt Hòa hiện đang hoạt động với công suất 10.200 m3/ngày đêm, sẽ được mở rộng và nâng công suất thành 20 nghìn m3/ngày đêm, không những đáp ứng cấp nước đủ cho TP Hải Dương mà còn có thể cung cấp nước cho các vùng phụ cận. Các khâu chuẩn bị đầu tư, nhất là thiết kế kỹ thuật đang được khẩn trương hoàn thiện...

VŨ LONG