Cần, kiệm, liêm, chính để tránh “đạn bọc đường”

Tin tức - Ngày đăng : 12:17, 05/09/2012

Bác dặn cán bộ, chiến sĩ về xuôi phải gương mẫu trong mọi việc, tuỳ hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp đỡ nhân dân.

Cách đây 58 năm, ngày 5-9-1954, nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn mọi người phải gương mẫu, cần, kiệm, liêm, chính. Người nêu rõ: “Các cô, các chú là những người kháng chiến, đều đã được học tập, rèn luyện, được thực hiện tự phê bình và phê bình. So với người không tham gia kháng chiến, không được học tập, rèn luyện thì các cô, các chú đã tiến bộ hơn rất nhiều”. Tuy nhiên, khi về xuôi, nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu. Người nêu vài cái nhỏ: phở ngon, rồi thì đồng hồ, bút máy, xe đạp... Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm sẽ tham ăn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ sẽ lấy ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: một là ăn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc... Bác lấy ví dụ: Nó đi buôn lậu, sợ anh bắt, nó cho anh cái đồng hồ, bút máy để đi thoát. Cán bộ đi mua bán, nó cho ăn một ít để mua đắt, bán rẻ cho nó. Đó là ăn hối lộ, mà ăn hối lộ là có tội, vì nó làm hại cho nhân dân, thiệt đến công quỹ của Chính phủ. Người kết luận: Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng "đạn bọc đường" vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy. Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hoá thì phải luôn thực hành cần, kiệm, liêm, chính.

Bác dặn cán bộ, chiến sĩ về xuôi phải gương mẫu trong mọi việc, tuỳ hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp đỡ nhân dân. Gương mẫu trong lời nói, việc làm, thái độ, sao cho người ta thấy rõ mình là con người kháng chiến. Ngay đối với những người không kháng chiến cũng không khinh rẻ họ, mà phải giúp đỡ cho họ tiến bộ, để họ cùng ta làm việc. “Việc nước là việc chung, mà việc thì rất nhiều, chỉ Bác cháu ta không làm hết việc đâu. Chúng ta phải dùng năng lực của mọi người. Bất kỳ trước đây họ là thế nào, nếu ngày nay họ thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, nếu họ muốn thật thà phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thì chúng ta cần cộng tác với họ. Bác mong các cô, các chú nhớ kỹ và thực hành điều đó”.

HỒNG LĨNH(biên soạn)