Không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ Việt - Trung
Tin tức - Ngày đăng : 14:12, 08/09/2012
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhân Hội nghị cấp cao APEC 20 |
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng trong tình hình hiện nay, việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về nhiều phương hướng lớn thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới như duy trì, tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; thúc đẩy hợp tác thực chất cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế - thương mại; tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước; tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Về vấn đề trên biển, hai bên cần kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ trong quá trình giải quyết vấn đề biển Đông, hai bên cần thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, giải quyết thỏa đáng mọi tranh chấp và những vấn đề mới nảy sinh thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố ửng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC).
* Tại Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đưa ra thông điệp nêu rõ: Việt Nam có lợi ích và mong muốn nỗ lực hết mình, cùng các thành viên APEC, gánh vác những trách nhiệm chung to lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đó là đẩy mạnh liên kết kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng. Đó là duy trì vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương trong quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu; hỗ trợ các nền kinh tế thành viên phục hồi và phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Đó cũng chính là cùng ứng phó với các thách thức đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực và của toàn cầu.
Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực có đầu tư trực tiếp lớn nhất với 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. 11 trong 13 hiệp định mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đang và sẽ đàm phán là với các đối tác nằm trong khu vực.
Hơn 700 nhà lãnh đạo các nền kinh tế khu vực cùng với hơn 300 giám đốc điều hành (CEO) các tập đoàn và công ty hàng đầu thế giới đã tham gia hội nghị. Năm vấn đề trọng yếu được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này qua 20 phiên thảo luận gồm liên kết kinh tế, chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững về sinh thái, an ninh lương thực và vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một trong mười nhà lãnh đạo APEC được mời tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC 2012. Chủ tịch nước đã có bài phát biểu đề dẫn tại phiên thảo luận về “Nước - nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu mới”.
* Cùng ngày, trong khuôn khổ các hoạt động song phương với Nga tại vùng Viễn Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Trường đại học Quốc gia hàng hải Nevesky và phát biểu tại tọa đàm doanh nghiệp Việt - Nga với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp hai nước.
(Nguồn: TTXVN)