Cách tổ chức các ủy ban nhân dân

Tin tức - Ngày đăng : 18:18, 11/09/2012

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác tổ chức bộ máy chính quyền các cấp.

Ngày 11-9-1945, trên báo Cứu quốc số 40, với bút danh Chiến Thắng, Người đã viết bài “Cách tổ chức các ủy ban nhân dân” và khẳng định “Ủy ban nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khác hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra”.


Trong bài viết, Người nhấn mạnh: UBND (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương, sau khi khởi nghĩa thắng lợi. Toàn thể nhân dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử người vào các uỷ ban này. Trong một thời hạn (Chính phủ sẽ định), UBND phải chiêu tập đại hội địa phương để báo cáo công việc đã làm, trình bày và đưa ra thảo luận các công việc sẽ phải làm, bầu UBND mới. Ban thường vụ phải khai hội ít nhất mỗi tuần một lần, toàn thể uỷ ban nửa tháng một lần để bàn bạc công tác. Trước ngày khai hội của uỷ ban, ai có điều gì đề nghị, chất vấn hay phê bình cứ gửi cho Chủ tịch.

Trong các bài viết sau này, về chính quyền nhân dân ở các địa phương, Bác yêu cầu: “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các ủy ban đó”. Người nhấn mạnh: “Ủy ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh những cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Ủy ban nhân dân thận trọng hết sức trong chỗ chi dùng công quỹ, không dám tùy ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống”. “Những nhân viên ủy ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình”. “Ủy ban nhân dân là ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do, dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do, dân chủ đó”.

Để bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân được thực thi, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đó là cơ sở để ngày 9-11-1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I. Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám về phương diện xây dựng nhà nước kiểu mới mãi mãi là bài học lớn, là định hướng để xây dựng và không ngừng hoàn thiện Nhà nước ta trong thời kỳ mới.

QUANG MINH (biên soạn)