Đã tiến bộ càng phải cố gắng mãi
Tin tức - Ngày đăng : 16:50, 12/09/2012
Trong thư Bác căn dặn: “Cũng như đường xa, đi đến nơi thì thường nhọc mệt, sự nghiệp kháng chiến gần đến lúc thành công thì càng nhiều nỗi gian nan. Vậy chúng ta đã đoàn kết, càng phải đoàn kết chặt chẽ thêm, đã tiến bộ càng phải cố gắng mãi, chớ thấy bại mà nản, chớ đắc thắng mà kiêu. Phải luôn luôn cẩn thận, luôn luôn cố gắng…”
Trong kháng chiến chống Pháp, khu III gồm các tỉnh (cũ): Hải Phòng, Kiến An, Hưng Yên, Thái Bình và Hải Dương. Trong thư, Người khen ngợi đồng bào khu III đã lập nhiều chiến công oanh liệt như: trận Kiến An, trận Kim Thành, trận Mỹ Hào… Ở hậu phương, đồng bào đã tổ chức những làng chiến đấu, đã ra sức tăng gia sản xuất, phát triển bình dân học vụ, thành lập Hội Liên hiệp quốc dân, hăng hái giúp đỡ thương binh và đồng bào tản cư, ủng hộ bộ đội… Người cho rằng: “Trước mặt trận cũng như ở hậu phương, muôn người như một, đều cùng quyết tâm làm trọn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc của mình. Như thế thì kháng chiến nhất định thành công cũng như Cách mạng Tháng Tám thành công vậy”.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy những lời căn dặn của Bác không chỉ có ý nghĩa với đồng bào khu III trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà trong tất cả các giai đoạn cách mạng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chủ trương của Trung ương Đảng và Bác Hồ là: “Phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Vì thế, Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Võ Nguyên Giáp đã đề nghị thay đổi phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nhờ có sự tính toán cẩn thận như vậy nên trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, quân ta đã giành được thắng lợi cao nhất với sự hy sinh xương máu thấp nhất.
Còn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, hàng triệu người Việt Nam yêu nước với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, sẵn sàng chiến đấu và kiên cường chiến đấu, đã viết nên trang sử hào hùng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tinh thần ấy là kết tinh của lòng yêu nước nồng nàn, của tư tưởng “bại không nản, thắng không kiêu”, không ngừng phấn đấu vươn lên vì độc lập, tự do, hạnh phúc.
Ngày nay, những quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Hiền Nhân (biên soạn)