Thoi thóp làng nghề Đan Giáp
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:53, 13/09/2012
Vài năm trở lại đây, do thu nhập từ nghề thấp, các loại rá nhựa, rổ nhựa, i-nốc tràn lan trên thị trường nên việc duy trì làng nghề ngày càng khó khăn...
Ông Bùi Văn Giang ở đội 4, thôn Đan Giáp chỉ còn thu nhập 20 nghìn đồng/ngày từ nghề đan thúng
Cũng là một trong những gia đình có nghề đan tre lâu đời, gia đình ông Nguyễn Thành Xoan ở đội 13, thôn Đan Giáp lại bám trụ với nghề theo hướng khác. Những năm trước, gia đình ông cũng đan rổ, rá, thúng… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, do hàng bán không chạy nên hơn chục năm nay, gia đình ông chuyển hẳn sang đan thúng cho thương lái ở Quảng Ninh dùng để vận chuyển than tại các lò. Gia đình ông thu mua các loại mê thúng của bà con trong thôn với giá 5.000 đồng/chiếc, sau đó thuê nhân công cạp, nức và bán lại cho các thương lái. Tuy nhiên, thời gian đầu còn khả quan, giải quyết việc làm thường xuyên có từ 7 - 8 lao động, nhưng gần đây, việc tiêu thụ cũng giảm dần. Chỉ có kênh tiêu thụ duy nhất là ở Quảng Ninh, nên khi họ không thu mua thì hàng hóa sẽ bị ngừng trệ. Ngoài ra, ngoài việc vận chuyển than bằng thúng tre còn xuất hiện các loại làm bằng cao su nên ảnh hưởng đến việc xuất hàng. Những năm trước, trung bình 1 tháng, gia đình tiêu thụ được khoảng 9.000 chiếc nhưng năm nay chỉ còn khoảng 6.000 chiếc, thậm chí thấp hơn.
Làng nghề đan tre ở Đan Giáp được hình thành từ khoảng thế kỷ XVII và đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề từ tháng 9-2004. Ông Nguyễn Thanh Mùi, Trưởng thôn Đan Giáp cho biết: “Những năm 1999-2003, thôn tôi lúc nào cũng nhộn nhịp, lách cách cạp, nức… 100% số hộ làm nghề, thu hút tới 80% số lao động tham gia. Các cháu bé 5 - 6 tuổi cũng đã biết ngồi đan. Nhiều gia đình xây dựng nhà cao tầng cũng từ việc đan nát. Nhưng vài năm trở lại đây, do thu nhập từ nghề thấp, các loại rá nhựa, rổ nhựa, i-nốc tràn lan trên thị trường nên việc duy trì làng nghề ngày càng khó khăn”.
Thôn Đan Giáp hiện có 522 hộ với trên 1.800 nhân khẩu, nhưng chỉ còn chưa đầy 200 hộ là vẫn theo nghề truyền thống. Làng nghề gặp nhiều khó khăn, từ việc thiếu nguyên liệu do xây dựng kiến thiết, chặt phá tre, đến tìm đầu ra cho sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường… Người trẻ không còn tha thiết học nghề, giữ nghề. Trong làng chỉ còn những người già cố giữ nghề truyền thống.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện và xã đều quan tâm tới việc duy trì, phát triển làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, làng nghề Đan Giáp rất cần có chính sách duy trì, tìm hướng đi mới cho các sản phẩm để đứng vững và phát triển.
PHẠM THỊ LOAN