Kiều bào - một nguồn lực của dân tộc Việt Nam

Tin tức - Ngày đăng : 16:43, 16/09/2012

Đối với bà con Việt kiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt.

Ngày 16-9-1946, trước khi kết thúc chuyến thăm Pháp, chia tay kiều bào về nước, Người nói: “Tôi đi nhưng ý nghĩ của tôi bao giờ cũng vẫn gần gũi đồng bào”.

Người luôn tâm niệm rằng kiều bào là những người con yêu của dân tộc đang phải sống xa quê hương, đất nước, đều là con Hồng cháu Lạc, đều là con cháu Việt Nam. Ngay từ những năm đầu bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã thường xuyên liên lạc với những người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài để tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước cho đồng bào, từng bước “thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ" thành đội ngũ cán bộ đầu tiên cho phong trào cách mạng Việt Nam.

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm, Người khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế”. Trong những năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định công lao của kiều bào ta: “Kiều bào ở hải ngoại đã ra sức hy sinh phấn đấu, dù cực khổ bao nhiêu cũng một lòng trung thành với Tổ quốc". Người cũng căn dặn kiều bào: “Phải triệt để đoàn kết... Mỗi người cần thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới”.

Đi theo tiếng gọi của Người, từ năm 1946, một số kiều bào tại Pháp đã về nước để trực tiếp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều người sau đó đã trở thành những nhà khoa học đầu ngành, gánh vác những trọng trách lớn như: Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước... Trong những năm đất nước bị chia cắt, hơn 45 nghìn kiều bào đã trở về nước sinh sống, cùng nhân dân cả nước trực tiếp tham gia vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi kiều bào là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Đảng và Nhà nước ta khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc Việt Nam, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau...

Sự quan tâm và những lời căn dặn của Bác đối với kiều bào đã, đang và sẽ góp phần cổ vũ, động viên toàn dân ta, đặc biệt là kiều bào đoàn kết, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, dân chủ và giàu mạnh.

TRƯỜNG SƠN(biên soạn)