Lúng túng khâu quy hoạch
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:29, 19/09/2012
Quy hoạch được coi là bước đầu tiên, làm cơ sở để triển khai xây dựng NTM. Tuy nhiên, thực hiện khâu này tại nhiều nơi còn chậm trễ và lúng túng...
Xã An Lương (Thanh Hà), xã chưa có quy hoạch chi tiết nên chưa triển khai dự án khu dân cư mới
để tạo nguồn xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới
Khởi động sớm vẫn chậm
Theo ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh, nhiều năm nay, xây dựng nông thôn và phát triển nông nghiệp luôn là phong trào mạnh ở tỉnh ta. Ngay từ năm 1990, nhiều địa phương trong tỉnh đã là điển hình hoàn thiện "điện, đường, trường, trạm", kiên cố hóa kênh mương. Tỉnh ta đã từng dẫn đầu toàn quốc về phát triển giao thông nông thôn, rồi gần đây tích cực trong hỗ trợ xây dựng trường học, nhà văn hóa thôn, xóa nhà tranh tre... Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng NTM là tiền đề để phát triển nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống nông dân được cải thiện, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Trong đó, quy hoạch xây dựng NTM nhằm tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn, bao gồm quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, sản xuất… được coi là bước đầu tiên, làm cơ sở để triển khai xây dựng NTM và điều chỉnh định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, thực hiện khâu này tại nhiều nơi còn chậm trễ và lúng túng.
Nguyên nhân trước hết là do thực hiện chương trình đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi đó ngân sách nhiều địa phương còn rất khó khăn. Hầu hết các xã chỉ trông chờ vào tiền đấu giá đất đai, trong khi thị trường này đang trầm lắng. Tiếp đó là công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, trong khi chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế. Tư tưởng và nhận thức của một số cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ, nên chưa phát huy được tính xã hội hóa xây dựng NTM, nhiều nơi còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước. Việc ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh còn chậm, không đồng bộ, gây khó khăn lúng túng cho cơ sở.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, đến tháng 9-2012, mới có 9 trong tổng số 58 xã xây dựng NTM giai đoạn I đạt được 13 tiêu chí, 55 xã đạt từ 9 - 12 tiêu chí, còn tới 26 xã đạt dưới 5 tiêu chí, tập trung ở các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang và thị xã Chí Linh. Riêng tỷ lệ đạt tiêu chí số 1 là lập và duyệt quy hoạch xây dựng NTM, tỉnh ta còn chậm so với cả nước. Trong tổng số 229 xã mới có 70 xã được cấp huyện phê duyệt quy hoạch chung và 34 xã được duyệt quy hoạch chi tiết (đều thuộc 58 xã giai đoạn I). Trong số 22 xã chưa triển khai quy hoạch chi tiết có 6 xã của giai đoạn I, đều ở huyện Gia Lộc. Công tác lập đề án xây dựng NTM cũng còn 107 xã chưa hoàn thành, trong đó có 5 xã giai đoạn I. Trong 122 xã hoàn thành việc lập đề án cũng mới phê duyệt được 36 xã (có 28 xã thuộc giai đoạn I). Kết quả này cho thấy, kế hoạch lập và phê duyệt xong quy hoạch, đề án xây dựng NTM ở 58 xã giai đoạn I trong tháng 7-2012 của tỉnh ta đã không bảo đảm tiến độ.
Còn lúng túng trong triển khai
Giải thích bất cập trong lập quy hoạch xây dựng NTM, ông Nguyễn Tiến Hóa, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, muốn có quy hoạch tương đối chuẩn cho một xã xây dựng NTM bình quân cần 300 - 500 triệu đồng để điều tra, khảo sát và đo đạc đầy đủ. Trong khi tỉnh chi 100 triệu đồng/xã thì hầu hết các xã còn quan niệm 100% kinh phí quy hoạch sẽ được cấp trên hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng do nhận thức chưa đúng, lãnh đạo nhiều xã không nêu được các yêu cầu đối với quy hoạch chung và chi tiết, thậm chí còn phó mặc cho đơn vị tư vấn tự "phóng tác". Trong khi chất lượng tư vấn rất hạn chế, có đơn vị nhận làm cho nhiều xã rồi thuê sinh viên thực hiện. Hệ thống tài liệu, số liệu, bản đồ phục vụ lập quy hoạch NTM còn thiếu và không thống nhất. Các quy hoạch chi tiết NTM chỉ làm ở khu vực trung tâm xã, thiếu quy hoạch cải tạo khu dân cư hiện có. Bên cạnh đó, nội dung và phương pháp quy hoạch cũng chưa có sự thống nhất giữa các địa phương. Mỗi xã, mỗi đơn vị tư vấn làm theo cách riêng, gây khó khăn khi triển khai. Sự phối hợp giữa quy hoạch NTM với các quy hoạch khác chưa chặt chẽ, thiếu tính khớp nối trên cùng một vùng. Một số vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung ở Cẩm Giàng, Nam Sách... vẫn còn được xác định cảm tính theo kiểu "bình quân", chưa có điều tra, khảo sát khoa học và theo tổng thể chung cả huyện. Hầu hết khi lập quy hoạch xây dựng các trường học cấp xã, địa phương mới chỉ tập trung vào các phòng học, chưa đối chiếu với tiêu chuẩn về diện tích, công trình phụ trợ, cảnh quan… Vì vậy, không ít trường học mới đưa vào sử dụng chưa đạt tiêu chí NTM. Thực tế của huyện Gia Lộc cho thấy, việc lập quy hoạch, xây dựng đề án tổng thể của các xã trên địa bàn chậm và chất lượng quy hoạch chưa cao, quy vùng sản xuất tập trung chưa được coi trọng. Đơn vị tư vấn còn lúng túng, nhất là nội dung lập quy hoạch vùng sản xuất, khu dân cư cũ... Theo ông Nguyễn Ngọc Kha, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng Gia Lộc, việc thẩm định quy hoạch xây dựng NTM của huyện rất khó khăn do phải chỉnh sửa nhiều lần. Có trường hợp đang làm dở dang, đơn vị tư vấn thay người làm, trong khi việc quản lý và bàn giao thông tin, tư liệu không chặt chẽ nên bản vẽ và số liệu quy hoạch chỉ "áng chừng" (người nhận việc lúc đầu đã bỏ cơ quan vì thu nhập thấp). Chuyện "cóp-pi" quy hoạch xã này cho xã khác để "tiết kiệm" thời gian đã cho ra những bản quy hoạch "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Việc phê duyệt quy hoạch NTM ở nhiều địa phương được thông qua cả Ban Thường vụ Huyện ủy, nhưng hầu hết các thành viên lại không sâu về chuyên môn này...
Quy hoạch nông thôn mới phải gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với giữ gìn văn hóa.
Trong ảnh: Làng quê xã Hùng Thắng (Bình Giang) . Ảnh: Thành Chung
Tiêu chí đầu tiên và quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng NTM là công tác quy hoạch. Bao gồm, quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp, hàng hóa, công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp.
Nhiều năm qua, sự đô thị hóa với tốc độ quá nhanh cũng đã làm thay đổi cấu trúc của nông thôn truyền thống. Làng quê bị biến dạng bởi sức ép của đô thị hóa, thành bản sao sơ lược của đô thị. Lũy tre xanh và những ngôi nhà dân gian truyền thống dần biến mất để thay thế vào đó là dãy nhà lô, nhà ống, kiến trúc lộn xộn và lạc lõng. Chính vì vậy, xây dựng NTM nhằm hiện đại hóa nông thôn, tạo tiền đề phát triển nông thôn vững chắc. Quy hoạch xây dựng NTM phải giữ gìn và phát huy được bản sắc và truyền thống tốt đẹp, chẳng hạn là cấu trúc kiểu quần cư, ở đó nhà ở của gia đình là một đơn vị ở cân bằng sinh thái, có vườn cây, ao cá, hài hòa với cảnh quan xanh, yên bình. NTM có điện, nước sạch, có hầm bi-ô-ga, có cơ sở y tế, trường học, nhưng vẫn giữ gìn và bảo tồn được các kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu mạo. Quy hoạch xây dựng NTM phải tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện để công nghiệp hóa và hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.
Vấn đề chủ yếu là quy hoạch phải phù hợp với đặc điểm của từng vùng, gắn kết hài hòa phát triển kinh tế với giữ gìn văn hóa. Căn cứ vào đó, phân rõ những việc dân làm, những việc Nhà nước làm; những tiêu chí làm trước, những tiêu chí làm sau. Đặc biệt, công tác quy hoạch phải có sự tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến của người dân, bảo đảm tính bền vững và đáp ứng được yêu cầu phát triển của nông thôn.
THÀNH LONG