Gian nan chữa bệnh hiếm muộn

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:30, 20/09/2012

Áp lực của cuộc sống hiện đại, xây dựng gia đình muộn, kế hoạch có con muộn, lối sống không lành mạnh... là nguyên nhân dẫn đến vô sinh.


Tư vấn cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh


"Có bệnh thì vái tứ phương"


Gia đình chị Nguyễn Thị C. và anh Hoàng Văn H. ở xã Thái Tân (Nam Sách) bây giờ không còn vẻ tuyệt vọng của đôi vợ chồng trẻ và tiếng thở dài buồn bã của bố mẹ anh, chị như trước. Ngôi nhà ấy giờ đây lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười, tiếng nựng trẻ. Con gái của anh chị hiện đã được 5 tháng tuổi, khỏe mạnh, tinh nghịch, là kết quả của hơn 3 năm  kiên trì chữa trị căn bệnh hiếm muộn.

Chị C. nhớ lại, lúc đầu chị nghe theo lời mách bảo của người quen, đi cắt hàng chục thang thuốc bổ để "thay máu mới dễ có con". Kiên trì sắc thuốc uống nhiều tháng trời mà vẫn "không có gì", hai vợ chồng chị quyết định lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám. Cầm tờ giấy ghi kết quả cả hai vợ chồng đều "khó" có con, dù cũng đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng hai vợ chồng vẫn bị "sốc" và lo mình sẽ không bao giờ có con. Anh chị kiên trì chữa trị, uống thuốc theo đơn và tuân thủ hướng dẫn điều trị khắt khe của bác sĩ. Đều đặn tháng nào anh chị cũng lên Hà Nội 4-5 lần để tái khám. Thu nhập từ đồng lương công nhân ít ỏi do nghỉ làm nhiều của chị cùng tiền lái xe của anh không đủ trang trải cho những chuyến đi ấy. Sau gần 1 năm chữa trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương không có kết quả, anh chị lại đến khám tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh. Nghe bác sĩ chẩn đoán tình trạng anh chị không có tiến triển, phải ngừng dùng thuốc khoảng 1 năm mới được điều trị tiếp, một lần nữa anh chị lại tuyệt vọng. Gần 1 năm sau tái khám, bắt đầu tuân theo phác đồ điều trị mới được khoảng 7 tháng thì anh chị có "tin vui". Mang thai đủ ngày đủ tháng, con gái chào đời, thỏa lòng mong ước của anh chị cũng như hai bên gia đình nội, ngoại. Lần điều trị thành công này tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để anh chị tiếp tục ước mơ có thêm một đứa con nữa trong một vài năm tới.

Câu chuyện của gia đình anh chị Trần Hoàng A. và anh Vũ Văn T. ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cũng đầy sự tuyệt vọng và cả niềm hạnh phúc vỡ òa khi việc chữa trị căn bệnh hiếm muộn đã có kết quả. Cả hai vợ chồng đều làm giáo viên ở huyện, lúc kết hôn cả hai còn quá trẻ, thu nhập lại chưa ổn định nên anh chị quyết định "kế hoạch" 1 thời gian. 3 năm tập trung cho công việc, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ đã bắt đầu ổn định, đã có chút của ăn của để dự tính lo cho các con sau này. "Người tính không bằng trời tính”, mong mỏi suốt 2 năm trời mà mãi không có tin vui, chúng tôi ngày càng lo lắng. Hai vợ chồng cùng quyết định đi lên Trung tâm Công nghệ phôi Học viện Quân y để khám và biết mình đều khó có con. Áp lực hơn nữa khi anh là con trai duy nhất trong gia đình. Phác đồ điều trị đầu tiên kéo dài 5 tháng không có kết quả, anh chị quyết định làm thụ tinh ống nghiệm với hy vọng mau chóng có con. Chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm thì anh chị được bệnh viện báo tin, hồ sơ bệnh án của anh chị đã bị mất. Bao nhiêu kết quả khám, xét nghiệm trước đó cũng không còn khiến anh chị phải làm lại toàn bộ. "Lúc đó hai vợ chồng đều lo lắng, lại đâm ra nghĩ ngợi lung tung, coi đó như điềm gở, sợ đầu không xuôi thì đuôi cũng khó thành công. Gần đến ngày làm thụ tinh ống nghiệm, tâm lý cả hai vợ chồng rất nặng nề, căng thẳng", chị A. nhớ lại. Trong thời gian chờ đợi 14 ngày để biết kết quả, hai vợ chồng chị thuê 1 phòng trọ nhỏ ở gần bệnh viện. Đến ngày kiểm tra, hai vợ chồng vỡ òa hạnh phúc vì ca thụ tinh ống nghiệm đã thành công. Đến nay, bé Vũ Bảo Ng., con trai anh chị đã hơn 1 tuổi, rất hiếu động, là món quà vô giá cho tổ ấm. Chị A. chia sẻ: "Hiện trên trung tâm vẫn còn lưu phôi thai của hai vợ chồng, gia đình mình dự định năm tới sẽ tiếp tục làm thụ tinh ống nghiệm một lần nữa".

Bệnh hiếm muộn ngày càng phổ biến

Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, bệnh vô sinh hay còn gọi là bệnh hiếm muộn ngày càng phổ biến trong xã hội ngày nay. Hiện có hơn 200 cặp vợ chồng đang điều trị hiếm muộn tại đây. Trên thực tế, con số này còn lớn hơn nữa do nhiều cặp vợ chồng chữa trị tại nhiều nơi và bằng nhiều phương pháp khác nhau. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ vô sinh hiện nay là 6,7% tổng số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các cặp vợ chồng hiếm muộn như: áp lực của cuộc sống hiện đại, xây dựng gia đình muộn, kế hoạch có con muộn, khoảng cách giữa các lần sinh quá xa, chế độ dinh dưỡng, lối sống không lành mạnh... Tỷ lệ vô sinh ở nam và nữ tương đương nhau (nam 44,19%, nữ 41,86%).

Việc điều trị vô sinh tại tỉnh ta bước đầu có nhiều tiến bộ mới. Hiện tại, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã có hệ thống trang thiết bị hiện đại, như: máy lọc rửa tinh trùng hiện đại, siêu âm chuyên biệt vô sinh, chụp nhũ ảnh, chụp tử cung. Hệ thống chẩn đoán xét nghiệm nội tiết đang hoàn thiện, bệnh nhân sẽ không phải đi tỉnh ngoài để xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân vô sinh. Trung tâm đã chẩn đoán sớm được một số dị tật thai nhi bằng siêu âm giúp nâng cao chất lượng dân số và bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ.

MINH HẠNH