Phòng và điều trị bệnh lao
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 22:56, 20/09/2012
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu.
Nguyên nhân của bệnh lao
Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis hay Bacille de Koch (BK) tấn công bất cứ phần nào của cơ thể, nhưng thông thường nhất là ở phổi (gọi là lao phổi). Vi khuẩn lao trú ngụ trong cơ thể và lây truyền từ người này sang người khác mỗi khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Khi đó, vi khuẩn lao sẽ theo không khí vào tận phế nang rồi sinh sôi nảy nở và gây thương tổn ở đây. Những người đứng gần sẽ hít phải vi khuẩn lao và vô tình mang phải mầm bệnh (nhiễm lao). Đa số những người bị nhiễm lao hoàn toàn không có biểu hiện gì, vi khuẩn lao có thể sống tiềm ẩn đợi đến lúc sức đề kháng của cơ thể suy yếu mới phát triển và gây bệnh.
Các triệu chứng
- Ho khạc kéo dài trên 2 tuần (lúc đầu ho khan sau có đờm, đôi khi đờm có dính vài tia máu).
- Giảm cân, ăn không ngon, cảm giác mỏi mệt toàn thân, sụt cân trong những tháng đầu.
- Ra nhiều mồ hôi vào ban đêm.
- Sốt nhẹ về chiều, đau ngực, biếng ăn.
- Ho ra máu.
- Có những cơn lạnh run.
- Đôi khi bệnh không biểu hiện gì rõ ràng, người bệnh vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, chỉ khi kiểm tra sức khỏe mới phát hiện mình đã mắc bệnh lao.
Do tính đa dạng này mà bệnh dễ bị bỏ qua hay lầm tưởng với bệnh phổi khác. Vì thế khi có những triệu chứng trên, nhất là ho kéo dài trên 3 tuần, người bệnh nên đi khám ngay. Nếu phát hiện và điều trị sớm, tổn thương phổi còn nhỏ, số lượng vi khuẩn lao ít thì khả năng chữa lành bệnh càng cao, trên 95% và không để lại di chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sau này.
Thử đờm là cách tốt nhất để xác định bệnh lao phổi. Khi cần bác sĩ sẽ yêu cầu chụp Xquang phổi.
Điều trị
Hiện nay, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm, đúng và đủ. Khi phát hiện mắc lao, bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ đúng theo những lời dặn của bác sĩ đang điều trị cho mình: uống thuốc đủ liều lượng, đủ thời gian quy định và nhất thiết không được bỏ một cữ thuốc nào nhằm tránh hiện tượng kháng thuốc. Những thuốc thường dùng để trị bệnh lao là: Isoniazid, Rifampin, Pyrazinamide, Ethambutol, Streptomycin...
Đa số thuốc điều trị lao không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, sinh lý hay khả năng làm việc của bạn. Nếu bạn dùng đúng thuốc như bác sĩ đã dặn dò, các thuốc này sẽ giết mọi vi khuẩn lao và tránh được bệnh tái phát.
Đối với những bệnh nhân bị nhiễm những vi khuẩn lao đã kháng thuốc (kháng thuốc tiên phát) hoặc kháng thuốc mắc phải, việc chữa bệnh lao gặp không ít khó khăn, tốn kém. Mặt khác, cơ địa của người bệnh cũng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Những bệnh nhân có sức đề kháng suy giảm như nhiễm HIV/AIDS, đái tháo đường, suy dinh dưỡng thì tỷ lệ thất bại càng cao. Người nghiện rượu, người bệnh tâm thần ít khi tuân thủ những lời chỉ dẫn của bác sĩ, họ thường uống thuốc không đều hoặc bỏ nửa chừng. Người không dung nạp được thuốc phải thay thế bằng thuốc khác, giảm liều hoặc ngưng thuốc cũng dễ thất bại.
Phòng ngừa
Chủng ngừa: Ngày nay cho trẻ tiêm BCG là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng ngừa bệnh lao. Các trẻ đã tiêm ngừa BCG thường tránh được những thể lao nặng nguy hiểm như lao màng não, lao kê, lao cột sống là những bệnh có thể gây chết người hoặc để lại di chứng tàn tật suốt đời.
Đối với bệnh nhân: Cần phát hiện và điều trị sớm, uống thuốc đều đặn, tái khám thường xuyên để bác sĩ biết việc điều trị có đạt hiệu quả hay không. Bệnh nhân không được khạc nhổ bừa bãi, ho hay hắt hơi đều phải lấy tay hoặc khăn giấy che miệng lại, khi bệnh đang phát triển cần được ngủ riêng giường, dùng bát đũa, cốc chén riêng và phải luộc sôi sau khi dùng; áo quần, chăn màn hằng tuần phải được luộc sôi sau khi giặt.
Đối với mọi người dân: Cần giữ nơi ở thoáng khí, đầy đủ ánh sáng, tránh làm việc quá sức, rèn luyện thân thể, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khi có các biểu hiện nghi bị nhiễm lao phải đi khám bệnh ngay.
(Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Hải Dương)