Thứ vũ khí vô dụng ?

Bình luận - Ngày đăng : 14:56, 27/09/2012

Một số nhà phân tích cho rằng, tàu sân bay của Trung Quốc chỉ là một thứ vũ khí “vô dụng”, dễ trở thành mồi ngon của các máy bay chiến đấu những nước láng giềng.



Tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc được đánh giá thấp về khả năng chiến đấu


Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã chính thức được đưa vào hoạt động trong một buổi lễ diễn ra hôm 25-9 với sự tham dự của Nhà lãnh đạo cấp cao nhất - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Việc đưa tàu sân bay vào triển khai được xem là một động thái nhằm phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang có một loạt cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng với các nước láng giềng.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về sức mạnh thực sự của chiếc tàu chiến “khủng” này. Thậm chí, có nhà phân tích còn thẳng thừng tuyên bố, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc chỉ là một thứ vũ khí “vô dụng”, dễ dàng trở thành mồi ngon của các máy bay chiến đấu của những nước láng giềng.

Tàu sân bay Liêu Ninh chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện

Tàu sân bay của Trung Quốc vốn là một chiếc tàu cũ được nước này mua lại từ Ukraine cách đây hơn một thập kỷ. Trung Quốc đã tiến hành nâng cấp, đại tu con tàu để biến nó trở thành tàu sân bay đầu tiên của họ. Con tàu này đã trải qua khoảng 10 lần thử nghiệm trên biển.

Ban đầu, Trung Quốc đặt tên chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ là Varyag. Tuy nhiên, sau đó, nước này đã quyết định đặt lại tên con tàu là Liêu Ninh, theo tên của một tỉnh phía đông bắc Trung Quốc có thủ phủ là Đại Liên. Đại Liên chính là nơi chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đại tu và đưa vào thử nghiệm.

Trong buổi lễ đưa chiếc tàu sân bay trên vào hoạt động, giới quân sự Trung Quốc đã dùng những từ “có cánh” để nói về con tàu này. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, tàu sân bay mới sẽ giúp “tăng sức mạnh toàn diện của Hải quân Trung Quốc” và sẽ giúp Bắc Kinh “bảo vệ hiệu quả chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển".

"Sự kiện tàu sân bay đầu tiên gia nhập vào biên chế trong quân đội cũng sẽ giúp tăng cường mức độ hiện đại hoá của các lực lượng đang hoạt động trong hải quân Trung Quốc”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết thêm.

Tàu sân bay vốn được xem là thứ vũ khí bá chủ trên đại dương, là biểu tượng sức mạnh trên biển của bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó. Chính vì vậy, Trung Quốc coi tàu sân bay Liêu Ninh là niềm tự hào của Lực lượng Hải quân bởi đây là lần đầu tiên nước này được sở hữu một chiếc siêu tàu chiến như vậy.

Tuy nhiên, bất chấp những phát biểu mang đầy niềm hãnh diện tại buổi lễ, sự có mặt của cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, cũng như những đánh giá ồn ào của giới chuyên gia quân sự Trung Quốc về tầm quan trọng của tàu sân bay, chiếc tàu chiến Liêu Ninh trước mắt sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích huấn luyện và thử nghiệm.

Con số “16” được đánh trên mạn tàu cũng đã cho thấy, nó chỉ được giới hạn ở nhiệm vụ huấn luyện, các chuyên gia quân sự cho biết. Hiện tại, Trung Quốc hoàn toàn chưa có được những chiếc máy bay có thể cất cánh từ tàu sân bay và vì vậy, các hoạt động huấn luyện như thế sẽ phải được tiến hành trên mặt đất.

Mặc dù vậy, sự xuất hiện của tàu sân bay Liêu Ninh tại cảng Đại Liên đã được sử dụng như một cơ hội để khuấy động tinh thần yêu nước đang sôi lên sùng sục trong 10 ngày qua vì cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bắt đầu tiến hành một cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm một lần vào tháng tới và sự kiện đưa tàu sân bay vào hoạt động cũng được xem là một nỗ lực nhằm củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc trước kỳ đại hội trọng đại này.

Về mục đích quốc tế, sự kiện đưa tàu sân bay vào hoạt động dường như là để phát đi tín hiệu với các nước nhỏ hơn ở Biển Đông, trong đó có Philippines, và các nước có tranh chấp ở biển Hoa Đông như Nhật Bản rằng, Trung Quốc đang ngày càng sở hữu nhiều vũ khí ấn tượng hơn.

Tàu sân bay Trung Quốc “vô dụng”

Trái với những phát biểu đầy tự hào của giới quan chức Trung Quốc, các chuyên gia quân sự nước ngoài lại đang hoài nghi về sức mạnh thực sự của tàu sân bay Liêu Ninh. Các nhà lập kế hoạch quân sự Mỹ tỏ ra xem thường ý nghĩa của việc Trung Quốc đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động. Một số quan chức Hải quân Mỹ thậm chí còn nói, họ sẽ khuyến khích Trung Quốc thúc đẩy việc tự chế tạo tàu sân bay riêng và những con tàu hộ tống nó bởi hoạt động này sẽ lãng phí rất nhiều tiền của.

Các chuyên gia quân sự khác bên ngoài Trung Quốc cũng có chung đánh giá như trên với giới chuyên gia quân sự Mỹ.

“Sự thực, chiếc tàu sân bay Liêu Ninh vô dụng đối với Hải quân Trung Quốc”, ông You Ji, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore nhận định. Theo ông này, “nếu chiếc tàu sân bay đó được đưa ra sử dụng để chống Mỹ, nó sẽ không có khả năng sống sót. Nếu nó được đưa ra sử dụng để chống lại các nước láng giềng của Trung Quốc thì nó cũng chỉ là để dọa nạt mà thôi”.

Ông You cũng cho rằng, những chiếc Su-30 do Nga sản xuất có thể là mối đe dọa đối với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Cho đến nay, các phi công Trung Quốc mới chỉ được huấn luyện hạ cánh trên tàu sân bay mô phỏng bằng các dải bê tông với mẫu máy bay J-8 - một phiên bản được sản xuất dựa trên nguyên mẫu MIG-23 ra đời từ cách đây 25 năm của Nga. Những phi công đó không thể thực hiện được những cú hạ cách khó khăn, phức tạp trên một chiếc tàu sân bay đang di chuyển bởi Trung Quốc vẫn chưa có máy bay phù hợp cho tàu sân bay, chuyên gia You nhận xét thêm. Và để chế tạo được những máy bay phù hợp cho hoạt động của tàu sân bay “cần một quá trình rất, rất dài”.

KIỆT LINH(VnMe)