Giành giải nhất thơ Trung thu trong... Hỏa Lò
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 16:48, 27/09/2012
Nhà văn Nguyễn Tuân là một trong những cây "đại thụ" của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết văn trước hết để khẳng định cá tính độc đáo của mình, tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là “chủ nghĩa xê dịch". Lối sống tự do, phóng túng của ông không phù hợp với chế độ thuộc địa nên ông từng hai lần bị tù. Và một trong hai lần ở tù đó, Nguyễn Tuân đã giành giải nhất cuộc thi thơ về chủ đề Trung thu được tổ chức trong nhà tù Hỏa Lò.
Đó là mùa thu năm 1941, nhà văn Nguyễn Tuân bị thực dân Pháp bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) vì "can tội hay xê dịch" khiến chính quyền thực dân “không quản lý được". Vào tù, nhà văn được gặp những người bị thực dân Pháp bắt giam cũng vì cái tội “cứng đầu” như diễn viên sân khấu nổi tiếng Đào Mộng Long (sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân), Trần Đình Thọ (sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), anh Nguyễn Văn Đồi (sau này là Trung tướng lừng danh Vương Thừa Vũ)... Bị giam cầm, tra khảo dã man nhưng họ vẫn sống rất lạc quan.
Trung thu năm Tân Tỵ ấy, các tù nhân này đã bày ra trò thi thơ, tổ chức ở ngay trong phòng giam, có Ban giám khảo đàng hoàng. Các "tội phạm" rất hăng hái tham gia. Ban giám khảo nhận được rất nhiều bài thơ dự thi.
Kết quả, "chính trị phạm" Nguyễn Tuân đoạt giải nhất với bài thơ "Trung thu trong tù". Bài thơ mang khẩu khí rất giống thơ Tản Đà - một nhà thơ cũng có cá tính độc đáo và ưa “xê dịch” như Nguyễn Tuân. Nguyên văn bài thơ giải nhất đó như sau:
"Thiên hạ Trung thu trống đánh tràn
Riêng ta thưởng nguyệt ngắm không gian
Vầng trăng Lý Bạch trong cung cấm
Ngẫm chuyện Đường Minh chốn Quảng hàn
Hậu nghệ dương cung còn tím ruột
Tản Đà nâng chén vẫn bầm gan
Ước gì điện ngọc lên chơi nhỉ?
Đem chuyện xà lim để luận bàn...
Đêm Trung thu, khi chị Hằng tròn vạnh trải ánh trăng vàng xuống khắp thế gian, các "phạm nhân" trong xà lim Hỏa Lò bắt đầu "phá cỗ". Chỉ là nước trà loãng, cái kẹo, mẩu bánh nhưng đầy hương vị Trung thu. Các bài thơ dự thi được chọn lọc, các "nghệ sĩ" đọc hoặc ngâm thơ không đàn, sáo đệm. Phần thưởng cho bài thơ đoạt giải nhất và những bài thơ khác chỉ là... những tràng vỗ tay!
TRẦN VĂN LỢI