Tùy tiện cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lúa
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 17:14, 28/09/2012
UBND xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) tự ý cho DN Trung Quốc thuê gần 42.000 m2 đất đang trồng lúa 2 vụ tại thôn Tứ Kỳ Thượng để DN này san lấp, dựng nhà ở, nhà làm việc và bãi tập kết máy móc, nguyên vật liệu xây dựng. Xã ký hợp đồng cho thuê và nhận tiền xong xuôi mới bị UBND huyện Tứ Kỳ phát hiện. Thay vì xử lý sai phạm, UBND huyện Tứ Kỳ lại hợp thức hóa cái sai.
Ký hợp đồng sau 2 ngày thỏa thuận
Câu chuyện thời sự nhất hiện nay tại vùng nông thôn Tứ Kỳ là việc UBND xã Ngọc Kỳ tự ý cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài thuê đất 2 lúa. Thời điểm chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ, một khu đất trồng lúa 2 vụ đã được khoanh lại, xung quanh xây bờ kè bằng gạch, đổ cát cao hơn mặt bằng chung của ruộng gần 1 mét, các dãy nhà ở và nhà làm việc đã được dựng lên, máy móc, vật liệu xây dựng đã được tập kết, và rất nhiều công nhân nước ngoài đang làm việc.
Một người dân thôn Tứ Kỳ Thượng cho biết: “Khu đất đó chúng tôi đã bán cho người Trung Quốc, trước mắt là 3 năm. Những thửa ruộng xung quanh khu đất cũng đang được người dân giao bán. Nếu các anh mua thì cứ đến gặp trưởng thôn Tứ Kỳ Thượng. Các anh cứ đàm phán giá cả với ông ấy, ông ấy sẽ trao đổi với những hộ dân có ruộng. Thời điểm này mua vẫn còn, chậm là họ bán hết”.
Khu đất lúa thôn Tứ Kỳ Thượng đã biến thành khu đất ở, tập kết nguyên vật liệu, SX của DN Trung Quốc
Theo tìm hiểu của chúng tôi, DN Trung Quốc thuê ruộng của người dân thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ là Liên doanh nhà thầu Trung Quốc, gồm Cty TNHH Đường cao tốc Trường Đại học Quảng Đông và Cty Hợp tác kỹ thuật kinh tế quốc tế Quảng Châu (CGCD-GIETCD). Nhà thầu CGCD-GIETCD trúng thầu và thi công gói thầu EX5, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (đường 5B) với chiều dài 15,3 km, từ xã Phương Hưng thuộc huyện Gia Lộc đến xã Tây Kỳ thuộc huyện Tứ Kỳ. Đây là 1 trong 10 gói thầu đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Theo nhà thầu CGCD-GIETCD, họ có 20 chuyên gia và 100 kỹ thuật là người Trung Quốc, 300 công nhân người Việt Nam cần mặt bằng để làm chỗ ở và tập kết nguyên vật liệu. Sau khi khảo sát thấy khu vực cánh đồng thôn Tứ Kỳ Thượng, là địa điểm lý tưởng để lập “bộ tổng chỉ huy gói thầu EX5”, họ đã đến UBND xã Ngọc Kỳ đề nghị xin thuê trên 4 ha đất đang trồng lúa 2 vụ ở thôn Tứ Kỳ Thượng.
Sau khi nhà thầu CGCD-GIETCD đã thỏa thuận với UBND xã Ngọc Kỳ và 85 hộ dân có ruộng, đại diện UBND xã Ngọc Kỳ là ông Phạm Văn Hội, Chủ tịch UBND xã đã ký hợp đồng cho nhà thầu CGCD-GIETCD thuê 41.865 m2 đất (gồm: đất nông nghiệp 37.157m2; đất chuyên dùng 4.708m2) trong thời gian 3 năm. Giá thuê là 4.000.000 đồng/sào/năm (khoảng 11.111 đồng/m2/năm). Tiền bồi thường hoa màu 1.500.000 đồng/sào/năm (khoảng 4.170 đồng/m2/năm).
Toàn bộ số tiền thuê đất và tiền bồi thường hoa màu trên đất nông nghiệp (37.157m2) được nhà thầu CGCD-GIETC và UBND xã Ngọc Kỳ chi trả cho 85 hộ dân có ruộng. Số tiền thuê đất và tiền bồi thường hoa màu cho đất chuyên dùng (4.708m2) là 176.611.000 đồng được chuyển về cho UBND xã Ngọc Kỳ.
Trưởng thôn Tứ Kỳ Thượng Nguyễn Văn Lương cho biết: Khi nhà thầu Trung Quốc vào đề nghị cho thuê đất, chúng tôi bàn với dân, đại đa số dân phấn khởi đồng ý cho người Trung Quốc thuê vì đây là vùng đất trũng, cấy lúa bấp bênh. Trước mắt cho thuê 3 năm. Nhân dân không có ai kêu ca, phàn nàn, thắc mắc gì cả. Xã, thôn và nhân dân sau khi thống nhất, xã đứng ra ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc. Nhân dân đến trụ sở nhà thầu nhận tiền trực tiếp, chứ chúng tôi cũng không được nhận tiền về rồi mới chi trả cho dân. Dân nhận được tiền xong là xong thôi.
“Ruộng là ruộng của dân, dân đồng ý bán hay cho thuê là quyền của họ. Trách nhiệm của tôi là đứng ra thay mặt cho dân thôi. Anh em chúng tôi chả biết đúng sai thế nào cả. Dân đồng tình, xã chỉ đạo thì chúng tôi chỉ là người thực hiện. Đúng sai là ở cấp trên. Nhân dân chúng tôi mong muốn là sau khi hết thời hạn cho thuê 3 năm, nếu nhà thầu Trung Quốc không tiếp tục thuê nữa, không có đơn vị nào thuê nữa thì để lại mặt bằng đã san lấp cát như hiện nay. Còn vấn đề chuyển khu đất này thành khu dân cư thì chúng tôi chưa bàn đến” – Trưởng thôn Nguyễn Văn Lương khẳng định.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ Phạm Văn Hội coi việc cho người Trung Quốc thuê gần 4,2 ha đất lúa 2 vụ với giá 5.500.000 đồng/sào/năm như là một thành tích lớn của UBND xã. Ông Hội cho biết: “Khi đưa đề nghị của nhà thầu Trung Quốc CGCD-GIETCD xuống để dân bàn thì dân đồng ý ngay. Trong vòng 2 ngày dân vừa bàn, vừa quyết định, vừa ký hợp đồng và nhận tiền đền bù từ nhà thầu Trung Quốc, dân sướng quá. Làm gì trên cái đất đó được 5.500.000 đồng đồng/sào/năm ở cái vùng nông thôn khó khăn bậc nhất Hải Dương này bây giờ mà không cho thuê hả nhà báo?”.
Huyện hủy hợp đồng cho thuê để cho mượn
Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ Phạm Văn Hội cho hay, sau khi phát hiện ra việc xã cho nhà thầu Trung Quốc thuê đất là trái thẩm quyền, UBND huyện Tứ Kỳ đã cử người về làm việc trực tiếp với nhà thầu Trung Quốc. Từ khi đó, xã chỉ biết là về diện tích và giá đất cho nhà thầu Trung Quốc thuê được giữ nguyên, còn toàn bộ việc đàm phán, chuyển từ cho thuê sang cho mượn, vân vân là do UBND huyện Tứ Kỳ làm, cụ thể thế nào chúng tôi không được biết cho đến khi có văn bản gửi cho chúng tôi để chúng tôi thực hiện.
Nhà ở cho công nhân người nước ngoài được xây dựng trên đất lúa do UBND huyện Tứ Kỳ... cho mượn
Đại diện UBND huyện Tứ Kỳ là ông Nguyễn Ngọc Sẫm – Phó Chủ tịch và đại diện UBND xã Ngọc Kỳ là ông Phạm Văn Hội – Chủ tịch đã ký biên bản thống nhất về việc cho nhà thầu CGCD-GIETCD mượn 41.865m2 đất trồng lúa 2 vụ của người dân thôn Tứ Kỳ Thượng làm trụ sở chỉ huy công trường, tập kết máy óc, nguyên vật liệu, nhà ở với đại diện nhà thầu CGCD-GIETCD là ông Xu Xiu Liang – giám đốc dự án.
Theo đó, UBND huyện Tứ Kỳ đồng ý với số tiền mà nhà thầu CGCD-GIETCD đã trả cho các hộ dân có ruộng trong 3 năm theo văn bản thống nhất và hợp đồng cho thuê mà UBND xã Ngọc Kỳ đã ký với nhà thầu CGCD-GIETCD. Biên bản này cũng khẳng định, sau 3 năm, nếu nhà thầu CGCD-GIETCD có nhu cầu mượn đất tiếp, UNBD huyện Tứ Kỳ sẽ ưu tiên cho nhà thầu này.
Số tiền hỗ trợ mượn đất (thực ra là tiền cho thuê đất) cho các hộ gia đình có ruộng trong thời gian gia hạn thêm sẽ được thực hiện trên cơ sở đơn giá thỏa thuận và theo quy định hiện hành của nhà nước Việt Nam. Biên bản này còn khẳng định: “Việc cho mượn đất không làm mất quyền sở hữu của nhà nước đối với khu đất và mọi tài nguyên nằm trong lòng đất, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.
Như vậy, từ việc UBND xã Ngọc Kỳ dùng cái quyền của UBND tỉnh Hải Dương cho nhà thầu CGCD-GIETCD Trung Quốc - một DN nước ngoài thuê đất lúa đã được UBND huyện Tứ Kỳ "sửa sai" bằng cách tiếp tục dùng cái quyền của UBND tỉnh Hải Dương để cho DN Trung Quốc mượn đất nhưng vẫn chấp nhận số tiền cho thuê và số tiền hỗ trợ hoa màu là 5.500.000 đồng/sào/năm (thực chất là giá thuê đất lúa) bằng việc thay đổi từ “số tiền cho thuê” thành “số tiền hỗ trợ cho mượn”. Từ đó, toàn bộ diện tích gần 42.000 m2 đất đang trồng lúa 2 vụ, loại đất được pháp luật bảo vệ chặt chẽ của 85 hộ dân thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ đến thời điểm này đã được chuyển thành đất phi nông nghiệp.
Luật Đất đai sửa đổi 2003 và các văn bản dưới Luật quy định rất rõ thẩm quyền của cấp được phép cho cá nhân và tổ chức nước ngoài thuê, mượn đất, cũng như quy trình thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Tuy nhiên, dường như tất cả những quy định rất rõ ràng đó đã bị UBND xã Ngọc Kỳ và UBND huyện Tứ Kỳ bỏ qua.
Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Khoản 1,2,3, điều 37, Luật Đất đai 2003) Những hành vi bị nghiêm cấm Nhà nước nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lý đất đai. (Điều 15, Luật Đất đai 2003) |
HIỂN MINH(Nông nghiệp Việt Nam)