Nhớ lời Bác dặn
Tin tức - Ngày đăng : 19:14, 30/09/2012
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với cán bộ và nhân dân Hải Dương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc văn bia tại chùa Côn Sơn ngày 15-2-1965
Người đã 5 lần về thăm Hải Dương. Lần cuối cùng vào ngày 15-2-1965, sau khi đi thăm cơ sở ở Ninh Giang, Nam Sách, Bác đến Côn Sơn. Sau khi thăm di tích, Bác đọc bia chùa Côn Sơn, viết vào sổ lưu niệm, căn dặn cán bộ và nhân dân Hải Dương và các sư trụ trì chùa tích cực trồng cây phủ xanh di tích, làm cho di tích văn hóa lịch sử trở thành thắng cảnh du lịch của địa phương. Bác căn dặn phải biến Côn Sơn “thành nơi tùng lâm đẹp đẽ".
Sau khi thăm Côn Sơn lần này, Bác bắt đầu viết Di chúc. Theo đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác, ngày 15-2-1965, Bác Hồ "về thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Bác nghỉ trưa ở đó và xem rất kỹ văn bia. Rồi đây các nhà viết sử phải dành nhiều trang cho sự kiện không ngẫu nhiên này. Bởi Hồ Chí Minh tìm đến Nguyễn Trãi trong bước ngoặt lịch sử của dân tộc, đâu phải là một sự ngẫu nhiên. Cách nhau hơn năm thế kỷ (1380 - 1890) mà sao có những trùng hợp lạ kỳ, y như cuộc hẹn gặp lịch sử đã định sẵn. Hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân, là tấm lòng tha thiết đối với hạnh phúc của nhân dân. Người từng nói: "Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, thì cũng chính Nguyễn Trãi đã mở đầu "Bình Ngô đại cáo” bằng một câu bất hủ: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”...
Nhìn lại lịch sử Việt Nam, cuộc đời hai con người cách nhau hơn 500 năm Nguyễn Trãi - Hồ Chí Minh có những nét tương đồng kỳ lạ. Cả hai đều là những người xuất chúng, kết tinh được tinh thần thời đại mình, đóng vai trò trung tâm trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và sau đó là linh hồn của những biến đổi văn hóa - xã hội quan trọng của đất nước. Cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều đồng thời là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà tư tưởng, nhà văn hóa… kiệt xuất.
Trước đó, trong lần về thăm và nói chuyện với nhân dân và cán bộ Hải Dương ngày 26-7-1962, Bác căn dặn: Một việc nữa là trồng cây gây rừng, đồng bào đều biết rằng 5 - 7 năm nữa nó sẽ là một nguồn lợi rất lớn, đồng thời nó làm cho làng mạc ta thêm vui tươi (...) Tỉnh ta cần tổ chức những nhóm chuyên môn phụ trách cây trồng và vun bón cây, làm đúng nguyên tắc "Trồng cây nào, sống cây ấy".
Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương, đặc biệt là nhân dân thị xã Chí Linh đã nỗ lực xây dựng khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc theo lời căn dặn của Người. Hôm nay, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã thực sự trở thành "tùng lâm đẹp đẽ", trở thành di tích quốc gia đặc biệt.