Thầy thuốc cũng không mặn mà
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 07:28, 04/10/2012
Chỉ tiêu giao cho các huyện không cao, thù lao cho những cán bộ làm việc thấp... khiến nhiều y, bác sĩ còn chưa mặn mà với công việc...
Tuyên truyền về chương trình sàng lọc sơ sinh tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Sách
Chỉ tiêu năm 2012, toàn tỉnh có 4.200 trẻ được sàng lọc sơ sinh và 1.760 thai phụ có nguy cao được sàng lọc trước sinh. Trong 8 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có hơn 10 nghìn ca được sàng lọc trước sinh nhưng chỉ có hơn 2.000 trẻ được sàng lọc sơ sinh và có đến 63 mẫu lấy máu gót chân không đạt.
Do đề án đang trong giai đoạn thử nghiệm để nhân rộng nên chỉ tiêu giao cho các huyện không cao. Một số huyện như Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Kim Thành, thị xã Chí Linh, TP Hải Dương chỉ tiêu có khoảng 110- 130 ca lấy mẫu máu gót chân, chủ yếu dựa vào Khoa Sản của các bệnh viện tuyến huyện. Hiện nay, mỗi huyện có 100- 200 ca sinh mỗi tháng. Nếu tích cực triển khai việc lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh thì việc hoàn thành chỉ tiêu không phải là khó. Tuy nhiên, nhiều huyện tiến độ triển khai lấy mẫu máu gót chân còn chậm. Khó khăn nhất là huyện Cẩm Giàng đến nay mới lấy được 40 mẫu. Bác sĩ Bùi Thị Minh Hòa, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Giàng cho biết: "Nguyên nhân là do nữ hộ sinh phụ trách công việc này nghỉ việc nên đành "gác lại" việc lấy mẫu máu gót chân trong khoảng 5 tháng". Hiện nay, khoa không có phòng riêng để lấy mẫu máu gót chân theo đúng quy định mà phải thực hiện ở phòng thủ thuật. Nhiều khi có ca thủ thuật thì không thể lấy mẫu máu cho trẻ hoặc việc lấy mẫu máu khiến cho bệnh nhân làm thủ thuật phải chờ đợi. Sự phối hợp giữa Trung tâm Dân số - KHHGĐ và với một số Bệnh viện Đa khoa cấp huyện cũng chưa tốt. Bác sĩ Ngô Văn Việt, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa thị xã Chí Linh cho biết: "Có một số thai phụ hỏi về việc lấy mẫu máu gót chân cho trẻ nhưng đến thời điểm này, khoa chưa triển khai. Nguyên nhân là do chưa thấy Trung tâm Dân số- KHHGĐ thị xã bàn bạc, phối hợp để thực hiện chương trình". Theo Trung tâm Dân số- KHHGĐ thị xã Chí Linh thì việc lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh đã được triển khai gần 1 tháng nay ở các Trạm Y tế xã, phường, được khoảng 100 mẫu. Bên cạnh đó, kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân ở một số đơn vị chưa tốt, tỷ lệ mẫu hỏng cao như: Phòng khám Đa khoa Phúc Thành (Kim Thành) 84,2%, Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc 83,3%, Bệnh viện Đa khoa Bình Giang 59,1%, Bệnh viện Đa khoa Tứ Kỳ 4,7%. Mẫu hỏng nên không có kết quả thông báo lại cho gia đình. Một bất cập nữa là theo quy định chỉ mẫu nào phát hiện có bệnh thì mới thông báo đến gia đình bệnh nhân, mẫu bình thường lại không có hồi âm khiến nhiều gia đình thắc mắc, thiếu tin tưởng. Kinh phí chi cho mỗi ca lấy mẫu máu gót chân hiện cũng rất thấp, chỉ 8.000 đồng, trong đó có 5.000 đồng tiền công, vì vậy không khuyến khích được cán bộ y tế tham gia chương trình. Công tác tuyên truyền cũng chưa đạt hiệu quả. Hiện nay, việc tuyên truyền chủ yếu dựa vào đội ngũ cộng tác viên, cán bộ dân số, cán bộ của các khoa sản. Đội ngũ làm công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh chưa thực sự tâm huyết trong truyền thông, tư vấn, thực hành kỹ thuật và ghi chép quản lý. Vì vậy, nhiều người dân vẫn chưa biết đến đề án này và chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh.
Theo ông Phạm Hồng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh, để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác truyền thông dưới mọi hình thức tại các tuyến, cung cấp sản phẩm truyền thông trên cơ sở các tài liệu, sản phẩm truyền thông mẫu do chi cục cung cấp, tập trung vào nhóm đối tượng chính là các bà mẹ mang thai; theo dõi, tư vấn, giúp đỡ các trường hợp được xác định là có nguy cơ cao. Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh tiếp tục tập huấn về kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh, thực hiện việc gửi mẫu máu theo phân cấp kỹ thuật. Các kết quả sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh được thông báo kịp thời. Đến cuối năm 2015, phấn đấu 100% số xã trong tỉnh triển khai sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm và triển khai sàng lọc sơ sinh; 25% số phụ nữ có thai được sàng lọc trước sinh; 45% số trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh.
MINH HẠNH