Ngôn ngữ lạ của tuổi "teen"
Xã hội - Ngày đăng : 05:33, 12/10/2012
Ngôn ngữ “lạ” được giới trẻ sử dụng nhiều trong nhắn tin với bạn bè (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Tìm hiểu về ngôn ngữ lạ của thế hệ 9X, chúng tôi thật sự “choáng”. Đọc tin nhắn trong điện thoại của các bạn tuổi "teen" mà tôi phải nhờ chính các bạn trẻ “phiên dịch” tiếng Việt. Tin nhắn: “Maj coa dj hok k? M lm bvn ckua?sa0 m bit maj co ktra baj?”, tức là: Mai có đi học không? Mày làm bài về nhà chưa? Sao mày biết mai cô kiểm tra bài?". Đây là một trong số ít tin nhắn mà tôi có thể tự dịch khi được tham khảo điện thoại của các bạn trẻ. Một tin nhắn khác : “Nem ny cuoj cap roai, tui mjh faj cug co len thui, tui min se k dc dzui nhu nem ngoai, ngj dzay thia bun wa, nhg min hua se mai la pan cua nhau nha” (tạm dịch: Năm nay cuối cấp rồi, tụi mình phải cố lên thôi, tụi mình sẽ không được vui như năm ngoái, nghĩ vậy thấy buồn quá, nhưng mình hứa sẽ mãi là bạn của nhau nhé…). Không một dòng tiếng Việt chuẩn nào được các bạn trẻ sử dụng khi giao tiếp với nhau qua điện thoại. Không những thế, các bạn còn thường xuyên mượn tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày. Thay vì sử dụng tiếng Việt, các bạn trẻ dùng tiếng Anh như and = và, vs= với, G9= good night (chúc ngủ ngon), 2 = Hi (chào), 4U= for you (cho bạn), of= của, or= hoặc... Nhiều khi chính các bạn còn biến tấu ngôn ngữ tiếng Anh theo tiếng lóng của riêng giới trẻ: “like is afternoon” (thích thì chiều), “know to die” (biết chết liền)…
Cách sử dụng ngôn ngữ này không chỉ của một nhóm các bạn trẻ, mà nó đã thực sự phổ biến rộng rãi. Với giới trẻ, việc sử dụng ngôn ngữ riêng không có gì là lạ. Bạn Ngọc Anh, học sinh trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết: “Chúng em dùng ngôn ngữ riêng để nhắn tin cho bạn bè. Em thấy ngôn ngữ lạ rất hay, sẽ giữ được bí mật mọi thông tin với bố mẹ”. Bạn Nguyễn Thu Thủy, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) cũng cho biết: “Bố mẹ em thường kiểm tra gắt gao việc sử dụng điện thoại di động, nếu có tin nhắn ngoài nội dung học hành là em bị mắng. Nhưng từ khi học được ngôn ngữ riêng chỉ có chúng em hiểu nên em không bị mắng nữa vì bố mẹ em không dịch được”.
Không chỉ các bạn học sinh THPT, THCS dùng loại ngôn ngữ này, nhiều bạn sinh viên cũng sử dụng nó như để thể hiện cá tính, sự trẻ trung. Bạn Quang Tuấn, sinh viên trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Hải Dương chia sẻ :“ Mỗi tin nhắn chỉ giới hạn trong 160 ký tự. Em thường nhắn tin nhiều cho bạn, nếu viết rõ ràng thì sẽ rất tốn kém, với lại đánh chữ trong điện thoại sẽ nhanh và tiết kiệm hơn”.
Tuy nhiên, nếu việc sử dụng ngôn ngữ riêng của các bạn trẻ trong giao tiếp hằng ngày chỉ được gói gọn giữa các bạn trẻ với nhau, thì có lẽ nó cũng sẽ không ảnh hưởng tới mọi người. Nhưng nhiều khi các bạn trẻ đã quá lạm dụng nó, sử dụng nó như một thứ ngôn ngữ chính thống, dẫn đến việc mọi người xung quanh không hiểu các "teen" muốn gì, cần gì. Bác Lê Văn Tuấn, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) cho biết: “Nhà tôi có đứa cháu năm nay học lớp 9. Nó thường hay nói những câu như: "Bó tay.com", hay “buồn như con chuồn chuồn”, “ác như con tê giác”. Nhiều khi hai ông cháu nói chuyện mà tôi chẳng hiểu cháu muốn nói gì”. Còn chị Nguyễn Thị Oanh ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) cho biết: “Tôi sắm máy điện thoại cho con để tiện liên lạc với cháu. Nhiều lúc kiểm tra điện thoại của cháu, tôi không thể hiểu cháu viết gì cho bạn, vì những chữ viết lạ quá”. Không chỉ làm cho người lớn khó hiểu, nhiều bạn trẻ do dùng quá nhiều trong giao tiếp hằng ngày trở thành thói quen, nên khi làm bài kiểm tra trên lớp, có bạn quen tay còn viết vào bài tập, làm thầy cô không hiểu. Bạn Ly, học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Em thường xuyên dùng ký tự và viết tắt khi nhắn tin, nên khi làm bài kiểm tra, nhất là môn văn, em quen tay viết tắt nên bị cô trừ điểm”. Cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên văn Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: “Việc các em sử dụng cách viết tắt, dùng các từ mượn tiếng Anh thay vì dùng tiếng Việt trong các bài kiểm tra cũng nhiều. Điều này dẫn tới việc các em bị lệch chuẩn tiếng Việt".
Trong suy nghĩ của các bạn tuổi "teen", thì việc dùng ngôn ngữ "lạ" cũng là cách thể hiện bản thân. Việc dùng ngôn ngữ "lạ" được phổ biến khá rộng rãi trong các bạn trẻ bởi các em ở lứa tuổi rất dễ học, tiếp cận nhanh với những cái mới, thích tìm hiểu những thứ "lạ" và "độc". Nhiều bạn trẻ cho rằng nếu chưa biết nhắn tin, chat bằng ngôn ngữ mới thì chưa phải là người hiện đại. Nhưng việc lạm dụng ngôn ngữ này của các bạn trẻ sẽ làm mất đi khả năng dùng tiếng Việt và không còn ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cũng như bản sắc văn hóa dân tộc. Sử dụng ngôn ngữ "lạ" đã trở thành một trào lưu mới, không dễ để các bạn trẻ loại bỏ cách dùng ngôn ngữ lệch chuẩn. Chính vì vậy, gia đình và thầy cô cần định hướng cho các bạn trẻ khi nào thì có thể sử dụng ngôn ngữ của "teen", để tránh gây hiểu nhầm, hoặc không hiểu ý. Các bạn trẻ nên cân nhắc kỹ đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh, mục đích để sử dụng ngôn từ phù hợp.
THANH HOA