Lối sống thờ ơ của giới trẻ

Xã hội - Ngày đăng : 10:30, 12/10/2012

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ sa vào lối sống thực dụng, ích kỷ, vô tâm với chính những người thân.



Ngoài thời gian học, các “teen” thường thích tụ tập quán xá hơn ở nhà (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Gia đình chị N.T.T ở phường Hải Tân có một cậu con trai tên là T.A., vì là cháu đích tôn nên được ông bà nội rất cưng chiều. Từ bé T.A. luôn sống một cuộc sống đầy đủ về vật chất, thích gì đều được ông bà, bố mẹ cố gắng đáp ứng theo đúng yêu cầu. Chính vì thế, cậu luôn nghĩ mọi thứ mình có, từ sự yêu thương của mọi người trong gia đình đến những nhu cầu vật chất được đáp ứng là điều đương nhiên. Bởi vậy, T.A. ít khi để ý tới mọi người trong gia đình, bữa cơm tối thiếu vắng ai, ông bà ốm đau, bố đi làm về muộn T.A. không quan tâm. Chị T. chia sẻ: “Cháu không mấy khi để ý tới việc trong gia đình, đi học về là chui tọt lên phòng dán mắt vào màn hình vi tính, không biết mẹ nấu cơm chưa, bố đã về chưa, ông bà đi đâu…” Nhiều khi mẹ ốm, T.A. cũng như con “gà tồ” không biết hỏi han, hay chăm sóc, đỡ đần mẹ việc nhà.

Khác với hoàn cảnh của chị T., hai vợ chồng chị M. đều làm công nhân. Lương chỉ đủ sống, anh chị phải nhận việc ngoài về làm để có thêm tiền lo chi phí sinh hoạt trong gia đình và phải cố gắng tiết kiệm tối đa. Nhà có 2 con đang tuổi ăn học, anh chị luôn cố gắng để đáp ứng mọi yêu cầu của con cái. Chị M. cho biết: “Chuẩn bị khai giảng năm học mới, cô con gái lớn học lớp 8 bảo tôi mua cho đôi dép quai hậu mới. Thấy đôi dép cháu đang đi mới mua từ cuối năm học trước vẫn còn tốt nên tôi bảo cháu chưa cần phải mua đôi khác. Vậy là cháu phụng phịu và ra điều kiện nếu mẹ không mua, con không đi khai giảng!”.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều bạn trẻ có lối sống ích kỷ, thờ ơ với mọi người xung quanh, không biết quan tâm, chia sẻ nỗi lo toan với cha mẹ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Hà Phương, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện tượng giới trẻ sống vô tâm với chính người thân trong gia đình đang khá phổ biến và đáng báo động. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ có lối sống này là do gia đình đáp ứng quá đầy đủ các nhu cầu cả về vật chất lẫn tinh thần nên các em, nhất là các bạn tuổi "teen" luôn có suy nghĩ hưởng thụ. Dần dần, các bạn trẻ hình thành quan điểm sống không quan tâm đến người khác, không biết chia sẻ với những người thân trong nhà. Điều này đã khiến các em có xu hướng lười giao tiếp, thụ động trong xây dựng mối quan hệ xã giao. Hơn nữa, công việc bận rộn khiến cho nhiều ông bố, bà mẹ không có thời gian quan tâm, giáo dục, dạy con cách ứng xử, chia sẻ công việc nhà với con. Nhiều gia đình phó mặc hẳn việc dạy con, từ học chữ đến hình thành nhân cách cho nhà trường.

Cũng theo bà Phương, để giải quyết vấn đề này cần thay đổi cách giáo dục, chăm sóc con cái của mỗi gia đình. Trước hết, phải giáo dục con ngay từ khi còn nhỏ, không nên nuông chiều theo ý con, phải giúp cho trẻ hiểu không phải bất kỳ yêu cầu nào của con đều được chấp thuận một cách vô điều kiện. Thường xuyên giáo dục con trẻ, hướng chúng tới suy nghĩ phải quan tâm đến mọi người xung quanh từ những việc làm nhỏ nhất. Cha mẹ thường xuyên nói chuyện, chia sẻ cùng con cái những bài học về tình cảm gia đình, giáo dục các em phải biết cội nguồn, công ơn những người đã sinh thành, nuôi dạy mình. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên để các em tham gia công việc gia đình, chia sẻ việc nhà với cha mẹ. Điều này vừa giúp các em có thể học tính tự lập, vừa hình thành ý thức biết quan tâm tới người khác. Ngoài ra, có thể cho các em tham dự các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các lớp học kỹ năng mềm để các em có thêm kỹ năng tự vượt qua khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

TÂM PHÚC