Nhiều nhưng vẫn thiếu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:04, 15/10/2012
Nếu chính sách hỗ trợ chỉ tập trung vào một số loại cây, diện tích mở rộng quá mức thì dễ dẫn tới nguy cơ sản xuất theo phong trào, hiệu quả sẽ không cao...
Năm nay, huyện Cẩm Giàng hỗ trợ 30 nghìn đồng/ sào bí xanh số 5, quy vùng tối thiểu 3 ha.
Trong ảnh: Nông dân thôn Tân Sơn, xã Cẩm Sơn chăm sóc bí xanh vụ đông
Nhiều chính sách hỗ trợ
Những năm gần đây, hầu như các huyện, thị xã, thành phố đều có chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân mở rộng vụ đông. Nét mới của vụ đông năm nay là chính sách hỗ trợ được các cơ quan chức năng ban hành khá sớm, cơ chế hỗ trợ rõ ràng, tạo thuận lợi cho thực hiện. Ngay từ tháng 12 năm ngoái, UBND tỉnh đã có quyết định về cơ chế hỗ trợ vụ đông năm nay. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 140 nghìn đồng tiền mua giống ngô nếp HN88, MX10, WAX50, AG50 (định mức 0,5 kg giống/sào). Diện tích ngô được hỗ trợ phải áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, quy vùng từ 3 ha trở lên. Ở cấp huyện, chính sách hỗ trợ cũng khá đa dạng. Huyện Nam Sách hỗ trợ nông dân 50% giá mua các giống bí xanh số 2, dưa hấu lai F1, khoai tây Hà Lan, khoai tây Atlantic, ngô ngọt, ớt lai, với điều kiện quy vùng tối thiểu 2 ha. TP Hải Dương hỗ trợ 100 nghìn đồng/sào cà chua, su-lơ quy vùng tối thiểu 5 ha và khoai tây, bí xanh quy vùng ít nhất 3 ha.
Vụ đông năm nay, nhiều địa phương tập trung hỗ trợ cho 3 loại cây là ngô nếp, bí xanh, khoai tây như: Gia Lộc, Nam Sách, Bình Giang, Ninh Giang, Kim Thành, TP Hải Dương. Ngô nếp, bí xanh thời gian sinh trưởng ngắn, trồng ở vụ đông sớm, có thể tiêu thụ thuận lợi. Cây khoai tây trồng chính vụ đông, lúc áp lực thời vụ không căng thẳng, quỹ đất để trồng khá dồi dào. Các địa phương quy định điều kiện để nhận hỗ trợ là phải quy vùng tập trung (thông thường từ 2-5 ha trở lên), sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ dễ dàng, áp dụng biện pháp kỹ thuật mới (như làm đất tối thiểu). Cơ chế hỗ trợ chủ yếu là hỗ trợ một phần giá mua giống cho nông dân để giảm chi phí sản xuất, ngoài ra còn dành một phần kinh phí để hỗ trợ công chỉ đạo, thưởng các địa phương vượt kế hoạch.
Tỉnh cần định hướng về chính sách hỗ trợ cho các địa phương để tránh tình trạng diện tích một số cây
mở rộng quá mức dẫn tới cung vượt quá cầu.
Trong ảnh: Vùng trồng ngô nếp tập trung ở thôn Thái Thạch, xã Hùng Sơn (Thanh Miện)
Trong những năm vừa qua, diện tích cây vụ đông giảm dần do chi phí sản xuất cao, nhân lực ngành nông nghiệp chuyển sang ngành kinh tế khác, thị trường tiêu thụ bấp bênh... Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đã khuyến khích duy trì, mở rộng sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Chưa chú ý hỗ trợ doanh nghiệp
Mặc dù nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ vốn, cơ sở hạ tầng, xây dựng vùng nguyên liệu nhưng một số doanh nghiệp thu mua nông sản ở tỉnh ta vẫn phải "tự bơi", điển hình là Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (xã Gia Xuyên, Gia Lộc). Mỗi năm, công ty này thu mua hơn 10 nghìn tấn rau, củ, quả. Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty đã nhiều lần đề nghị được hỗ trợ lãi suất vay vốn để mua kho lạnh bảo quản nông sản. Tuy nhiên, công ty vẫn không nhận được hỗ trợ nên phải tự đầu tư. Một số vụ đông trước, công ty làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hàng chục ha su-lơ ở nhiều nơi trong tỉnh. Do nông dân phá vỡ hợp đồng nên công ty đã phải chuyển sang thu mua theo hợp đồng ở tỉnh Thái Bình, TP Hải Phòng. Theo ông Trường, chính sách hỗ trợ cây vụ đông của tỉnh ta vẫn chưa quan tâm hỗ trợ sản phẩm mà doanh nghiệp cần. Ngược lại, tỉnh Thái Bình và TP Hải Phòng rất quan tâm hỗ trợ sản phẩm cho doanh nghiệp. Vụ đông này, công ty đã hợp đồng bao tiêu hàng chục ha su-lơ ở Thái Bình, Hải Phòng. "Ở diện tích doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tỉnh Thái Bình, TP Hải Phòng hỗ trợ 200 nghìn đồng/sào tiền mua giống và một phần chi phí làm đất cho nông dân. Điều này đã khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất, bán sản phẩm cho doanh nghiệp", ông Trường cho biết.
Rõ ràng là bên cạnh hỗ trợ sản xuất, các cơ quan chức năng cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Tỉnh nên chọn một số doanh nghiệp uy tín, thu mua nhiều nông sản trong tỉnh, cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân để làm điểm chính sách hỗ trợ. Trước mắt, cần tập trung hỗ trợ cho những loại nông sản mà doanh nghiệp thu mua như cách làm của một số nơi khác. Có như vậy mới khuyến khích doanh nghiệp tích cực thu mua nông sản trong tỉnh, tránh tình trạng doanh nghiệp của tỉnh nhưng lại chủ yếu thu mua nông sản ở tỉnh khác như hiện nay.
Không nên hỗ trợ "theo phong trào"
Năm nay, nhiều địa phương tập trung hỗ trợ cho cây ngô nếp, bí xanh, khoai tây nên đang có lo ngại việc mở rộng diện tích dẫn tới nguy cơ cung vượt cầu. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chưa có số liệu thống kê chính xác diện tích đã trồng của cây ngô và bí xanh (cây khoai tây mới bắt đầu vào thời vụ trồng). Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, diện tích trồng ngô nếp (đặc biệt là giống HN88) đã được mở rộng ở nhiều địa phương. Giống ngô này chỉ bán để ăn tươi nên nếu cung vượt cầu thì tình trạng "mất giá" rất dễ xảy ra. Vụ đông năm ngoái, tỉnh ta trồng được 1.751 ha khoai tây, vượt 45% so với vụ đông 2010-2011. Không những ở tỉnh ta mà nhiều tỉnh miền Bắc khác cũng mở rộng diện tích trồng khoai tây. Do vậy, vào cuối vụ, giá bán khoai tây giảm mạnh, nông dân thua lỗ. Tại xã Thanh Hải (Thanh Hà), nơi có truyền thống trồng khoai tây, nhiều hộ dân không bán được khoai tây thương phẩm, phải để cho gia súc ăn.
Việc hỗ trợ để duy trì hoặc mở rộng diện tích là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chính sách hỗ trợ chỉ tập trung vào một số loại cây, diện tích mở rộng quá mức thì dễ dẫn tới nguy cơ sản xuất theo phong trào. Do vậy, khi các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ cây vụ đông thì cần tham khảo ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về định hướng diện tích, cơ cấu cây trồng, thời vụ canh tác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có vai trò điều tiết, bảo đảm diện tích, cơ cấu cây hỗ trợ ở mức hợp lý, tránh tình trạng nhiều địa phương cùng lúc hỗ trợ tập trung vào một số loại cây.
NINH TUÂN