Người già ngày càng cô đơn
Đời sống - Ngày đăng : 06:26, 18/10/2012
Gần đây, báo chí đã phản ánh nhiều hoàn cảnh bất hạnh của các cụ già khi bị chính con đẻ của mình bạc đãi, bỏ rơi.
Người già cô đơn, không nơi nương tựa đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ xã hội tỉnh
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tình trạng nhiều người con vì mải mê kiếm tiền, đuổi theo danh vọng mà quên mất nghĩa vụ, trách nhiệm, tình cảm với chính những người thân sinh ra mình ngày càng có xu hướng gia tăng.
"Đến chết mới hết khổ..."
Năm nay đều đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Vũ Xuân K. và bà Nguyễn Thị V. ở xã Nam Chính (Nam Sách) lúc nào cũng buồn phiền vì cảnh già buồn tủi, cô đơn. Ông bà có 6 người con, trai gái đủ cả nhưng về già lại chẳng ở được với người con nào. Cách đây chừng vài năm, ông bà cũng ở với vợ chồng người con trai út trong ngôi nhà mái ngói rộng rãi, thoáng mát do chính tay ông bà vất vả dựng nên. Khi người con trai út có của ăn của để đã xin ông bà cho đập ngôi nhà đang ở để xây nhà cao tầng to đẹp hơn. Ông bà khuyên con làm nhà trên mảnh đất vườn bên cạnh, để lại cho ông bà ngôi nhà đang ở vừa làm nơi thờ cúng tổ tiên, vừa làm nơi cho con cháu ở xa khi về tụ họp. Thuyết phục không được, cuối cùng ông bà cũng thuận theo ý con. Xây xong nhà, bà ở cùng gia đình người con trai, ông vì buồn phiền, tiếc nuối ngôi nhà cũ nhiều kỷ niệm nên đã dọn xuống ở gian nhà cấp 4 ở đằng sau. Vợ chồng người con đi làm suốt cả ngày từ sáng đến tối, không quan tâm đến việc ở cạnh mình còn có bố mẹ. Bà V. phiền não: "Hằng tuần liền cũng chẳng thấy chúng nó hỏi han xem ông bà thế nào, ăn uống ra sao..." Dù kiếm ra tiền nhưng anh con trai cũng không bao giờ biếu ông bà quà cáp hay chỉ vài chục nghìn đồng để ông bà ăn sáng. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng hằng ngày bà vẫn cặm cụi trồng rau, nuôi chó, mèo. Bà cho biết: "Còn sức thì cố làm lấy tiền lo cho cuộc sống, không muốn phiền đến các con". Một thời gian sau, không chịu nổi sự lạnh nhạt, thờ ơ của vợ chồng người con trai, bà dọn xuống ngôi nhà cấp 4 ở cùng ông. Căn nhà nền đất ẩm thấp, rộng chừng 12 m2, mái ngói đã có chỗ dột, cửa sổ bị hắt nước mưa nằm ngay đằng sau ngôi nhà to đẹp của con trai. Những người con khác đều lập gia đình ở xa, ít về thăm ông bà, có chăng cũng chỉ trong chốc lát rồi lại đi ngay.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị C. ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) cũng buồn không kém. Bà C. vốn là cán bộ đã nghỉ hưu, ngôi nhà bà ở nằm trên mảnh đất rộng. Tưởng khi về già sẽ được an nhàn, ngờ đâu hai người con trai của bà thay phiên nhau "hành hạ" tinh thần khiến bà vô cùng mệt mỏi. Cả hai dù đã trưởng thành nhưng không có việc làm ổn định, lại ham mê rượu chè, thường xuyên về nhà vòi tiền mẹ, mang đồ đạc trong nhà đi bán. Khi người con cả có ý định lấy vợ, bà quyết định chia mảnh đất làm 2 phần, dùng toàn bộ số tiền tích cóp để xây 2 ngôi nhà cho các con, còn bà sẽ về quê ở Thái Bình mong an hưởng tuổi già. Công việc đã đâu vào đó, chẳng mấy lâu sau, vợ chồng người con trai cả lục đục, lại mang cháu về cho bà nuôi, thỉnh thoảng lại về quấy nhiễu bà. Người con trai thứ hai không tự lập được, không lâu sau cũng về quê "ăn bám" mẹ. Bà tiếp tục tìm mối cưới vợ cho con với suy nghĩ "lập gia đình rồi có khi con lại tu chí". Bà vay mượn xây cho vợ chồng con ngôi nhà nhỏ ở ngay sát cạnh, rồi chu cấp gạo cho con, khi có cháu bà cũng chăm sóc, nuôi nấng. Dù đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn phải làm ruộng, trồng rau, nuôi gà kiếm tiền nuôi 2 cháu nhỏ. Đã thế, hai người con trai của bà vẫn không chịu buông tha, hết tiền lại về bòn rút. Bà C. chán nản: "Chắc số tôi đến chết mới hết khổ. Chỉ thương 2 đứa cháu, khi tôi chết không biết chúng sẽ ra sao...".
Giúp người già sống vui, sống khỏe
Theo bà Nguyễn Hà Phương, Phó Trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lối sống tự do, bình đẳng ngày càng chi phối trong gia đình hiện đại. Nếu quá coi trọng điều đó sẽ dễ dẫn tới tình trạng người già bị cô độc. Càng về già thì nhu cầu được quan tâm, chăm sóc càng lớn, đặc biệt là cần hơn sự chia sẻ của con, cháu về đời sống tinh thần. Theo như khảo sát năm 2006 của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cũ, 76% số cặp vợ chồng trẻ trả lời không muốn sống chung cùng cha mẹ. Với mặt trái của nền kinh tế thị trường ngày nay thì con số trên có lẽ còn cao hơn nữa. Trong khi đó, hầu hết người già lại trả lời không lo sợ thiếu thốn kinh tế, chỉ sợ con cái coi mình là người thừa. Vì vậy, để người già không còn cô độc, mỗi gia đình phải có ý thức, trách nhiệm quan tâm lẫn nhau. Cha mẹ phải giáo dục con cái từ trong "trứng nước" về cách ứng xử với cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ cũng phải làm gương cho con cháu. Với việc gia tăng tình trạng già hóa dân số như hiện nay, tỉnh ta cần đặc biệt quan tâm, chăm lo cho người cao tuổi. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tình yêu thương, gắn bó trong gia đình. Tỉnh ta cần quan tâm hơn nữa đến các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, nâng mức hỗ trợ cho người già. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người già.
PV