Chuyên gia ngoại “hiến kế” để 3G Việt bùng nổ

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 09:28, 21/10/2012

Các chuyên gia đến từ tập đoàn công nghệ quốc tế đã có những chia sẻ quý báu, làm sao khiến dịch vụ công nghệ 3G có thể thực sự bùng nổ tại Việt Nam.

5S giúp khai thác tối đa tiềm năng mạng

Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Tương lai di động tại Việt Nam” diễn ra cuối tuần trước, chuyên gia của Ericsson đã giới thiệu 5 yếu tố cơ bản giúp các nhà mạng trong nước có thể khai thác được tối đa tiềm năng của việc kinh doanh 3G tại Việt Nam đó là: Thông minh (Smart), Đơn giản (Simple), Khả năng mở rộng (Scalable), Ưu việt (Superior) và Bảo mật (Secure).

Theo Ericsson, sự phổ cập smartphone với giá thành hợp lý đi kèm với các gói dịch vụ 3G sáng tạo, dịch vụ dữ liệu và ứng dụng có tính chất địa phương sẽ là những yếu tố kiên quyết giúp kinh doanh 3G phát triển mạnh và bền vững.

Nghiên cứu của Ericsson ConsumerLab dự đoán rằng trong vòng 6 tháng tới, tỉ lệ người sử dụng smartphone tại Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 16% lên 21%; trong cùng khoảng thời gian đó, tỉ lệ người dùng máy tính bảng tăng từ 2% lên 5%. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong việc sử dụng smarphone và máy tính bảng tại Việt Nam đang và sẽ tạo tiền đề phát triển đầy tiềm năng cho ngành kinh doanh dịch vụ 3G trong nước.


Ảnh minh họa

Để có thể khai thác toàn diện tiềm năng đó, việc tập trung triển khai và mở rộng mô hình mạng 5 “S” là vô cùng quan trọng. Trong đó:

Smart networks - Thông minh: cho phép các nhà mạng trở thành các “Ống dẫn thông minh” (Smartpipe) - mang đến chất lượng dịch vụ khác biệt với các gói dịch vụ có chi phí linh hoạt để từ đó tối đa hóa doanh thu.

Simple networks - Đơn giản: giúp các nhà mạng giảm chi phí vận hành bằng việc đơn giản hóa kiến trúc mạng và tối đa hóa chất lượng mạng và lưu lượng truyền tải.

Scalable networks - Có thể mở rộng: cho phép khả năng mở rộng mạng lưới liên tục mà vẫn tiết kiêm chi phí. Đảm bảo mạng lưới phủ sóng có vai trò quan trọng đến sự thành công của dịch vụ 3G, vì khách hàng luôn mong muốn sẽ nhận được kết nối Internet di động ở “bất cứ đâu” và vào “bất kỳ thời điểm nào”.

Superior networks - Ưu việt: bảo đảm khả năng vận hành mạng đầu cuối (cho đến người sử dụng cuối) luôn đạt được chất lượng tốt nhất, góp phần xây dựng hình ảnh nhà cung cấp có uy tín, củng cố thương hiệu và tạo điểm khác biệt, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường một cách có ý nghĩa và bền vững.

Secure networks - Bảo mật: Như đúng tên gọi của nó, các nhà mạng phải đảm bảo rằng mạng lưới họ cung cấp luôn được an toàn khỏi những đe doạ bên ngoài, các thông tin trao đổi trên đó phải có tính bảo mật cao.

Smartphone là cánh cửa khai mở

Đó là một trong những quan điểm mà chuyên gia của Huawei đã “gặp” với “đối thủ” lớn nhất của họ là Ericsson tại thị trường Việt. Theo nghiên cứu của Huawei, tỷ lệ sử dụng mạng 3G của Việt Nam đang đạt khoảng 20%. Sự phát triển chưa hài hòagiữa “thiết bị đầu cuối, hạ tầng mạng viễn thông và điện toán đám mây” là nguyên nhân chính khiến 3G của Việt Nam phát triển chưa được như mong muốn.

Theo một số thống kê khác của Huawei, hiện 95% dân số Việt Nam ở độ tuổi 15-24 hiện tại đều đang truy cập Internet. Bên cạnh đó, 81% cư dân mạng của Việt Nam lên mạng bằng desktop, 51% thì sử dụng Mobile và thậm chí còn cao hơn so với 47% sử dụng Laptop.

Chuyên gia của Huawei cho rằng, cùng với hai yếu tố hạ tầng mạng viễn thông, điện toán đám mây, smartphone sẽ là cánh cửa để khai mở các nhu cầu sử dụng 3G của người tiêu dùng Việt. Những thiết bị smartphone rẻ và hợp túi tiền là yếu tố quan trọng để kích thích thị trường.

Và để thực sự “kích cầu” thị trường, trong thời gian sắp tới, Huawei sẽ chính thức bán rộng rãi các sản phẩm điện thoại thông minh của mình tại Việt Nam. Và một dòng smartphone giá rẻ, màn hình 3,5 inch, pin lớn, bộ xử lý 1Ghz với mức giá chỉ 100USD sẽ là động thái đầu tiên để Huawei “khai phá” tiềm năng smartphone giá rẻ, kích cầu công nghệ 3G tại thị trường Việt.

Việt Nam sẽ tập trung mạnh cho 3G

Đó là quan điểm của phía cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông cho việc phát triển dịch vụ công nghệ 3G trong thời gian tới. Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Bộ Thông tin và Truyền thông, băng rộng vô tuyến có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Tuy nhiên, sự phát triển băng rộng vô tuyến Việt Nam hiện giờ vẫn còn ở giai đoạn ban đầu. Nó còn phải đối diện với nhiều thách thức của thị trường. Quy hoạch Phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 của Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ, các băng tần cho GSM gồm 800/900/1800MHz sẽ được quy hoạch lại hiệu quả hơn, để phát triển băng rộng vô tuyến. Cùng với đó, tiếp tục tối ưu hoá băng tần đã cấp phép 3G cho các nhà mạng thông qua việc khai thác, kinh doanh hiệu quả các dịch vụ nội dung.

Theo một công bố mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối tháng 5-2012, Việt Nam đã có hơn 16 triệu thuê bao di động 3G, tăng khoảng 3,2 triệu so với đầu năm 2012.


Hiền Mai(VnM)