Thiếu vắng điểm bán hàng bình ổn giá

Thị trường - Ngày đăng : 05:45, 23/10/2012

Mặc dù chương trình bình ổn giá của Chính phủ được triển khai khắp cả nước nhưng ở tỉnh ta, người dân vẫn chưa được tiếp cận nhiều với các điểm bán hàng bình ổn.



Siêu thị Intimex Hải Dương có điểm bán hàng bình ổn giá duy nhất trên địa bàn tỉnh


Để giảm áp lực lạm phát, hỗ trợ người tiêu dùng, thời gian qua, chương trình bình ổn giá theo chủ trương của Chính phủ đã được triển khai rộng khắp trong cả nước. Tuy nhiên, ở tỉnh ta người dân vẫn chưa được tiếp cận nhiều với các điểm bán hàng bình ổn.


Cuối năm 2011, Siêu thị Intimex Hải Dương đã phối hợp với Công ty Chế biến lương thực, thực phẩm Thái Dương, Công ty TNHH một thành viên Vissan, Công ty CP Đồ hộp Hạ Long, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu Minh Châu... thực hiện bán hàng bình ổn giá. Chương trình đã tạo điều kiện cho người dân được mua sắm các mặt hàng thiết yếu với giá rẻ hơn 10% so với giá ngoài thị trường. Tuy nhiên, tại đây các mặt hàng bình ổn giá cũng không nhiều.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn TP Hải Dương, nhiều người dân bày tỏ mong muốn được mua sắm hàng bình ổn giá. Nhưng sau nhiều cuộc họp và nhiều lần kiến nghị, các điểm bán hàng bình ổn vẫn chưa được xây dựng. Tại một số siêu thị như: Big C Hải Dương, Vinatex mart (TP Hải Dương), Big One (Cẩm Giàng), Tây Bắc (Bình Giang) chưa có một gian hàng nào được giới thiệu là hàng bình ổn giá. Bác Nguyễn Văn Chất ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết: "Trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác triển khai rầm rộ các chương trình bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người thu nhập thấp thì ở tỉnh ta chương trình này vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, tôi thấy hàng loạt các sản phẩm gắn mác hàng bình ổn giá, không rõ nguồn gốc xuất xứ được đưa về giới thiệu và bày bán nhiều tại các vùng quê. Đây không phải chủ trương của Chính phủ bởi hàng bình ổn giá không có nghĩa là hàng kém chất lượng".

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc tìm kiếm cơ hội để mở rộng kênh phân phối và các điểm bán hàng đang được các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm. Xây dựng các điểm bán hàng bình ổn giá tại các địa phương cũng là cách để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, dịp Tết Nhâm Thìn 2012, toàn tỉnh chỉ có 11 doanh nghiệp tham gia vào chương trình bán hàng bình ổn. Số lượng sản phẩm các doanh nghiệp này bán với giá bình ổn cũng không nhiều và chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn với một số mặt hàng lương thực và thực phẩm như: thịt lợn, dầu ăn, đường, muối, gạo...


Người lao động có thu nhập thấp mong muốn được mua bàng bình ổn giá.
Trong ảnh: Công nhân khu công nghiệp Nam Sách (TP Hải Dương) mua quần áo giá rẻ tại “chợ mặt đất”


Hiện nay, số lượng doanh nghiệp ở tỉnh ta đáp ứng được các tiêu chí mà chương trình bình ổn giá đưa ra không nhiều. Cụ thể, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá phải là đơn vị có uy tín và kinh nghiệm trong việc kinh doanh các mặt hàng bình ổn giá, cung cấp được số lượng lớn và liên tục hàng hóa bình ổn. Doanh nghiệp phải có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; có phương tiện vận chuyển đủ khả năng phục vụ cho việc phân phối và bán hàng lưu động theo yêu cầu; có mạng lưới phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện, các khu, cụm công nghiệp, chợ, siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi... Trong khi đó, các doanh nghiệp mới chỉ được hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm bình ổn giá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì không được hỗ trợ bất cứ một khoản kinh phí để sản xuất và bày bán các sản phẩm bình ổn giá nên các doanh nghiệp không mặn mà với chương trình này. Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Giám đốc Siêu thị Intimex Hải Dương cho biết: "Chúng tôi đang bán nhiều mặt hàng thiết yếu với giá bình ổn. Tuy nhiên, chương trình này được thực hiện dựa trên sự hỗ trợ của hệ thống siêu thị từ Hà Nội chứ chưa được trợ giúp từ phía địa phương". Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn vốn, giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng trong khi phải bán sản phẩm thấp hơn giá bán của một số sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5-10% nên nhiều doanh nghiệp không muốn tham gia chương trình này.

Cuối năm là dịp hàng hóa thường hay tăng giá, tạo áp lực cho người tiêu dùng. Do đó, việc xây dựng các điểm bán hàng bình ổn giá là cần thiết để ổn định thị trường. Ông Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết: " Khác với mọi năm, năm nay, Sở Công thương đã sớm trình UBND tỉnh phương án hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá. Doanh nghiệp được bố trí, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng khi bán hàng bình ổn lưu động trên địa bàn tỉnh. Nét mới của chương trình bình ổn giá năm nay là không chỉ thực hiện bán hàng bình ổn giá trong dịp Tết mà sở khuyến khích các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức bán hàng bình ổn giá tại các điểm phân phối của họ ở trong tỉnh. Ngoài ra, chương trình này sẽ được mở rộng thực hiện ở các khu, cụm công nghiệp và các vùng nông thôn”.

HẢI MINH