Người họa sĩ già dạy vẽ ở làng
Việc tử tế - Ngày đăng : 09:05, 25/10/2012
Không có danh vị, không thuộc bất cứ một trường lớp nào trong hệ thống giáo dục, ấy vậy mà ông luôn luôn nhận được những tình cảm kính trọng đối với một người thầy.
Họa sĩ Trần Phóng hướng dẫn bài vẽ cho học sinh tại nhà
Ông là Trần Phóng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, một họa sĩ sống khiêm nhường ở thôn Quan Đình, xã Đồng Lạc (Nam Sách).
Là một họa sĩ trong quân đội, ông chỉ được học vẽ qua những lớp bồi dưỡng ngắn hạn trong điều kiện chiến tranh. Qua thực tế vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, công tác, vừa lăn lộn trong phong trào mỹ thuật nghiệp dư gần ba chục năm, họa sĩ Trần Phóng đã có được những kiến thức và kinh nghiệm quý báu về sáng tạo mỹ thuật. Về nghỉ hưu tại địa phương, ông làm thủ thư ở thư viện xã và miệt mài sáng tác tranh cổ động, tham gia triển lãm mỹ thuật ở tỉnh, khu vực đồng bằng sông Hồng. Ông đã từng đoạt nhiều giải thưởng triển lãm tranh cổ động ở tỉnh, trong đó có giải nhất (năm 2002).
Sinh ra và lớn lên ở môi trường nông thôn, ông thấy học sinh ở nông thôn quả là thua thiệt nhiều bề so với học sinh ở thành phố, trong đó có môi trường mỹ thuật. Thế là từ năm 1995, ông tự tổ chức lớp dạy vẽ cho các em ở quê. Ông nặn tượng, sắp xếp mẫu vẽ cho các em tập vẽ hình họa, tự vẽ mẫu trang trí, tranh bố cục để làm giáo cụ trực quan. Cả thầy và trò đều mò mẫm và tự hình thành chương trình dạy vẽ, học vẽ với mục đích luyện thi vào khoa kiến trúc của Trường Đại học Xây dựng, Trường Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương (nay là Đại học Nghệ thuật Hà Nội) và các Trường Đại học Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Vốn liếng mỹ thuật trong những năm ở quân đội, những kiến thức trong sách về mỹ thuật, kiến trúc mà ông có được từ những năm trước đây được huy động tối đa cho việc luyện vẽ... Thật mừng là ngay từ những năm đầu tổ chức lớp, một số em đã thi đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc và Trường Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương. Đó là những phần thưởng lớn đối với ông. Và điều quan trọng hơn, qua đó đã cho ông những kinh nghiệm quý cho việc luyện vẽ, luyện thi. Những phân tích của ông về hình họa, bố cục hoàn toàn phù hợp với yêu cầu đầu vào đối với các trường. Mặt khác còn có cả yếu tố may mắn nữa. Nhiều đề tài ông từng ra cho học sinh luyện tập, đến khi thi thì thật trùng khớp. Trong khoảng 5 năm đầu tổ chức lớp vẽ, học trò ông đã có gần một trăm em thi đỗ đại học chuyên ngành họa. “Tiếng lành đồn xa”, chính các em truyền khẩu cho nhau về “thầy Phóng”. Nhiều em từ TP Hải Dương, các huyện trong tỉnh cũng rủ nhau đến học. Rồi học sinh từ các tỉnh ngoài như Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định... cũng tìm đến. Cá biệt có em từ Sơn La, Yên Bái, Gia Lai về Hà Nội học vẽ cũng tranh thủ về học thêm. Ông tận tâm truyền đạt kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng vẽ cho từng em. Với ba môn cơ bản luyện thi là hình họa, trang trí và bố cục tranh, ông chăm chú hướng dẫn cho các em phương pháp dựng hình chính xác và nhanh nhất, trong đó đi sâu vào kỹ năng diễn tả khối, không gian mà đặc biệt là phương pháp đánh bóng, cách diễn tả “chất” phù hợp với nhu cầu dự thi vào mỗi trường. Từ đó ông phát hiện ra khả năng của từng em để khuyên các em thi vào trường nào thì phù hợp hơn, “chắc ăn” hơn. Với môn trang trí, ông có nhiều mẫu vẽ từ các thế hệ học trước tặng lại thầy. Đó là giáo cụ trực quan vô cùng bổ ích, thiết thực, là “món ăn” hợp khẩu vị với mỗi em, với mỗi trường. Tương tự như vậy, đề tài cho tranh bố cục, với vốn sống phong phú, nhất là rút ra những nhu cầu cơ bản nhất của mỗi trường, ông có đề bài riêng cho từng nhóm, thậm chí từng em... Đây không phải là chương trình dạy đại trà mà chính là chương trình "đặc biệt" của ông cho từng đối tượng học trò. Đó là “mặt bằng” chất lượng mà ông đạt được qua gần hai mươi năm nhiệt tâm với công việc mà có. Vì vậy, các em học rất nhanh tiến bộ và khi đến gần thời điểm thi, hầu hết các em đều đạt đến một kỹ năng nhất định.
Có em ở xa, hoàn cảnh khó khăn, ông còn thu xếp cho ăn nghỉ cùng gia đình trong những lúc cần thiết để các em không bị gián đoạn khi luyện thi. Cũng có điều thuận lợi khác là hiện nay, tại khu công nghiệp Nam Sách (nhà ông cách hơn 1 km) có nhiều nhà trọ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của công nhân. Nhờ đó, các học trò của thầy Phóng ở xa cũng yên tâm ở trọ để học vẽ.
Cho đến nay, sau 17 mùa thi, ông đã có khoảng 500 học sinh thi đỗ vào các trường đại học: Kiến trúc, Xây dựng, Đại học Nghệ thuật Hà Nội, Viện Đại học mở, Mỹ thuật công nghiệp, không kể số học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng. Đó quả là một thành tích lớn đối với một người thầy dạy vẽ ở quê. Đến thăm gia đình họa sĩ Trần Phóng và nghe kể về kết quả từ lớp dạy vẽ của ông, họa sĩ Trần Mộng Huần, giảng viên Viện Đại học mở và một số họa sĩ ở Hà Nội đều hết sức ngạc nhiên và khâm phục.
Ngoài dạy học tại nhà, ông là người luôn chăm lo tới mọi việc trong xóm, ngoài làng. Người trong thôn xóm ốm đau, gia đình có việc hiếu, ông đều tận tụy lui tới với tình cảm chia sẻ thân thiết. Qua tiếp xúc với nhiều người trong thôn Quan Đình và nhiều anh em họa sĩ, tôi cảm nhận được một điều, ông được mọi người hết sức quý trọng và thán phục.
Có được kết quả như vậy, với ông, đó là xuất phát từ trách nhiệm của một công dân, một đảng viên, từ tấm lòng và sự tận tình chăm lo cho tương lai của con em nông thôn... để các em vào đời có được một nghề nghiệp mà xã hội rất cần. Với ông, đó là một cách để noi theo tấm gương đạo đức hết sức gần gũi, bình dị của Bác Hồ.
TRƯỜNG THANH