Cần, kiệm, liêm, chính là đạo đức quân nhân

Tin tức - Ngày đăng : 10:08, 25/10/2012

14 giờ ngày 25-10-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp quân đội (nay là Học viện Chính trị Quân sự).

Tại buổi nói chuyện, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải học tập chính trị, quân sự, phê bình và tự phê bình để sửa chữa khuyết điểm, trau dồi đạo đức cho chóng tiến bộ thì sẽ thu được nhiều thắng lợi hơn và sẽ làm cho cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi. Cần, kiệm, liêm, chính là đạo đức của người quân nhân cách mạng.


Bác căn dặn: Ngày xưa tổ tiên ta đã phải kháng chiến trường kỳ mới thắng được ngoại xâm. Đời Trần phải kháng chiến ba lần mới đuổi được quân Nguyên. Đời Lê kháng chiến một lần nhưng phải mười năm mới đuổi được quân Minh. Cuộc kháng chiến của ta tiếp tục cuộc Cách mạng Tháng Tám, phải trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Bác không hài lòng việc cán bộ ta còn khuyết điểm, trong đó có bệnh cá nhân. Bệnh cá nhân chủ nghĩa đã sinh ra tham ô, hủ hoá. Đó là chỉ biết mình, không biết đến quần chúng. Là chỉ lo cho mình được sung sướng mà không nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ sở. Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra vô kỷ luật, thiếu kiên quyết chấp hành mệnh lệnh; thiếu tin tưởng, không quyết tâm khắc phục khó khăn. Theo Người, “thấy được khuyết điểm là một bước tiến bộ. Nhưng mới chỉ là bước đầu. Thấy rồi phải lo sửa. Đang sửa thì phải sửa cho hết. Đã sửa rồi thì phải giữ mình đừng để mắc phải nữa”. Để sửa chữa khuyết điểm, cán bộ, chiến sĩ phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự; phải học và thực hiện tốt chính sách của Đảng; làm tốt tự phê bình và phê bình để tiến bộ.

Người nêu tiêu chí "cần, kiệm, liêm, chính" cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện để làm gương cho nhân dân. Người nêu vắn tắt: Nếu cả ngày cán bộ chỉ hùng hục làm việc của mình, không dạy cho bộ đội chăm chỉ học tập chính trị, quân sự, không khuyến khích và giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến thì cũng chưa thực hiện được chữ Cần. Không tiêu hoang phí tiền riêng của cán bộ cũng chưa phải là Kiệm. “Các chú còn phải biết tiết kiệm của công, dạy cho bộ đội biết tiết kiệm của công, thì mới thật là Kiệm”. Cán bộ không lấy của công làm của tư, không lấy chiến lợi phẩm về cho gia đình bè bạn mới chỉ là Liêm một nửa. “Các chú phải dạy cho bộ đội và khuyến khích nhân dân không lấy của công, không lấy chiến lợi phẩm làm của riêng mới thật là Liêm”. Phải quý trọng tất cả mọi công việc và của cải của Chính phủ. Thí dụ: đi đường thấy cột dây thép đổ mà dựng lên là Chính, không dựng lên là không Chính, không chấp hành mệnh lệnh cũng là không Chính.

Thực hiện lời Bác dạy, quân đội ta đã và đang xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, toàn diện, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại phù hợp với sự phát triển kinh tế đất nước, có sức mạnh chiến đấu cao; xử lý thắng lợi mọi tình huống, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước.

TRƯỜNG SƠN (biên soạn)