Về dự án Luật Dự trữ quốc gia
Tin tức - Ngày đăng : 06:15, 27/10/2012
Phát biểu của đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
Ở điều 12 tôi đề nghị nên bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong việc quyết định danh mục hàng dự trữ quốc gia theo yêu cầu từng giai đoạn phát triển của đất nước. Bởi quyết định dự trữ mặt hàng nào có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giữ vững ổn định tình hình chính trị - xã hội của đất nước. Do vậy phải được Quốc hội quyết định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước đã được quy định từ điều 12 đến 17 của dự thảo luật, trong đó trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại điều 17. Nhưng khi nói về thẩm quyền nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong tình huống cấp bách ở điều 33 lại không quy định thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong trường hợp tình huống cấp bách phải đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh cần phân cấp, ủy quyền, xuất, cấp hàng dự trữ quốc gia cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bởi vì khi các tình huống này xảy ra đợi quy trình, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xuất, cấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu kịp thời của tình huống. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm vào dự thảo luật.
Các hành vi bị cấm ở điều 19 có 11 khoản. Tôi đề nghị sắp xếp lại các khoản cho phù hợp để thể hiện rõ mức độ của các hành vi bị cấm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác dự trữ quốc gia, đó là 3 hành vi bị cấm ở khoản 3, khoản 9, khoản 10 phải được đưa lên trước. Đó là cấm tiết lộ bí mật Nhà nước về dự trữ quốc gia, cấm xâm phạm, phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật, kho tàng, hàng hóa dự trữ quốc gia, cấm sử dụng hàng dự trữ quốc gia sai mục đích và kế tiếp là các khoản khác tiếp theo.
Mục i, khoản 1, điều 24 quy định danh mục hàng dự trữ quốc gia có ghi: "Hóa chất khử khuẩn làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước". Tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ "xử lý nguồn nước sinh hoạt, xử lý nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản" vào sau cụm từ "xử lý nguồn nước".
Tôi đề nghị tại khoản 3 điều 48, về nguyên tắc bảo quản dự trữ quốc gia bổ sung thêm cụm từ "hoặc tiêu hủy" vào sau cụm từ "hoặc xuất bán" vì với những hàng hóa như thóc gạo mọc mầm, mốc, thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người, gia súc, gia cầm bị ẩm mốc thì chỉ có hình thức tiêu hủy là hợp lý. Tôi đề nghị xem xét sửa lại như sau: "Hàng dự trữ quốc gia hư hỏng, giảm chất lượng trong quá trình bảo quản phải được xử lý ngay theo hướng phục hồi hoặc xuất bán hoặc tiêu hủy để hạn chế thiệt hại và làm rõ nguyên nhân để xử lý".