Long Nhiêm: Cây bút của làng quê
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 08:05, 28/10/2012
Tác giả Long Nhiêm sinh ra và gắn bó cuộc đời với mảnh đất vải thiều. Ai từng đọc văn ông đều nhận thấy chất thôn dã thấm đẫm từng con chữ.
Tuổi 72, tác giả Long Nhiêm vẫn miệt mài sáng tác
Nhà giáo viết văn
Về thăm ông tại quê nhà, làng Hoàng Xá, xã Quyết Thắng (Thanh Hà), ông vui vẻ khoe với tôi cuốn sách nghiên cứu vừa ra mắt có tên: “Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá”, viết về sự hình thành, các phong tục tập quán, các công trình kiến trúc của làng cổ Hoàng Xá, nơi ông đã sinh ra và gắn bó đến bây giờ. Cuốn sách dày trên 300 trang được ông nghiên cứu và viết trong thời gian 2 năm.
Tác giả Long Nhiêm vốn là một nhà giáo. Ông thuộc lớp học viên đầu tiên của Trường Trung cấp Sư phạm tỉnh. Sau này, ông tiếp tục học Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với chuyên môn vững, chỉ 1 năm sau khi ra trường, về công tác ở Trường THCS xã Việt Hồng ông đã được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Sau này, khi chuyển công tác tới các Trường THCS Quyết Thắng, Thanh Sơn, Tân Việt ông đều đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng. Hầu như khắp đất Thanh Hà đều có các thế hệ học trò của ông.
Làm công tác quản lý, lại trực tiếp tham gia giảng dạy văn, sử, song ông tham gia viết báo khá sớm. Từ những năm 1962, ông đã có các tin, bài nghiên cứu về văn hóa, dân gian đăng trên báo Tiền phong, báo Hải Dương… Cho đến nay, ông đã có vài chục bài nghiên cứu về văn hóa, phong tục tập quán, làng nghề của các địa phương trong tỉnh. Nhưng những cống hiến của ông chủ yếu ở mảng văn học, nghệ thuật.
Tác giả Long Nhiêm chỉ thực sự đến với văn chương khi đã nghỉ hưu năm 1990. Ông tâm sự: “Có nhiều lý do để mình đến với văn chương muộn, song nguyên nhân chính là hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, hai vợ chồng phải bươn chải để nuôi 6 đứa con. Khi nghỉ hưu, các con đã khôn lớn, lúc đó mới có thời gian dành cho những điều bấy lâu ấp ủ”.
Thế là hàng loạt truyện ngắn, tác phẩm nghiên cứu văn hóa dân gian, thơ ra đời đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi của ông trong làng văn học tỉnh Đông. Lấy chủ đề, cảm hứng từ cuộc sống bình dị và những người nông dân sống xung quanh, ông được biết đến là một cây viết sắc sảo, sâu sắc về làng quê.
"Làng Vành lắm chuyện"
Truyện ngắn đầu tay của ông “Ông lão đóng cối” gắn với sự thay đổi của làng quê khi máy móc dần thay thế các vật dụng thủ công được phát trên Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh và đăng trên báo Hải Dương. Sau thành công ban đầu, ông tiếp tục trình làng hàng loạt truyện ngắn được giới cầm bút đánh giá cao như: "Chuyện làng Vành", "Người khóc thuê", "Cô trưởng thôn"… Mỗi truyện ngắn là một mảnh đời, một số phận người thôn quê với những đổi thay của nhân tình, thế thái. Trong văn của Long Nhiêm, ta dễ dàng bắt gặp những chất liệu dân gian được thể hiện một cách nhuần nhụy, ấn tượng. Các tác phẩm của ông được đăng tải khá nhiều trên các báo, tạp chí của trung ương, địa phương. Ông là tác giả xuất hiện khá đều đặn ở mảng văn nghệ trên báo Hải Dương. Những truyện ngắn như: "Cô hàng mắm", "Ông lão cởi trần", "Cô Bống", "Duyên đất"… được bạn đọc báo Hải Dương yêu mến. Ngoài mảng đề tài làng quê, Long Nhiêm còn sáng tác một số truyện ngắn về đề tài công nghiệp và chiến tranh. Ngoài gần 100 truyện ngắn, ông còn viết các thể loại ký, tản bút, tản văn… Long Nhiêm còn làm thơ và viết khá chắc tay. Thơ ông thiên về trữ tình, tình yêu quê hương, làng xóm. Đến nay, ông đã có trên 50 bài thơ được giới thiệu trên các báo, tạp chí.
Tính đến nay, ông đã cho ra đời 3 tập truyện ngắn: "Làng Vành lắm chuyện", "Duyên đất", "Hoa lúa". Mỗi tác phẩm là mỗi khoảnh khắc cuộc sống, câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn về những phận người bình dị của thôn quê, những đổi thay của quê hương làng xóm với những mặt tích cực, tiêu cực… "Làng Vành lắm chuyện" là tập hợp 12 truyện ngắn phác thảo hình ảnh cuộc sống của một ngôi làng nông thôn với những mối quan hệ hàng xóm, láng giềng, gia đình, dòng họ trong sự vận động của xã hội. Và cái tên của tập sách “Làng Vành lắm chuyện” đã được anh em văn nghệ sĩ dùng để gọi ông một cách thân mật. Hai tác phẩm “Duyên đất”, “Hoa lúa” nói về công cuộc đổi mới của nông nghiệp, nông thôn, nông dân khi có các chính sách của Đảng, Nhà nước… Nhiều tác phẩm của ông đã giành các giải thưởng văn học của tỉnh. Truyện ngắn “Người khóc thuê” đoạt giải B truyện ngắn năm 1996 của Tạp chí Văn nghệ Hải Hưng. Truyện ngắn "Cô trưởng thôn" cũng giành giải khuyến khích truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Côn Sơn. Năm 2011, tập truyện ngắn “Duyên đất” của ông vinh dự giành giải C, giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ VI của UBND tỉnh trao tặng.
Ở tuổi 72, tác giả Long Nhiêm vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và say mê viết. Từ lúc chỉ viết tay, giờ ông đã tự học và sử dụng tốt máy vi tính. Hằng ngày, ngoài dành thời gian chăm sóc mấy đứa cháu nội cùng 3 sào vườn ao, ông lại ngồi lóc cóc gõ bàn phím. Ông khoe đang viết dở cuốn nghiên cứu văn hóa dân gian huyện Thanh Hà và một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh về cuộc sống làng quê. Cùng với hai cuốn sách trên, thời gian tới ông dự định xuất bản một tập truyện ngắn và một tập thơ nữa.
NGỌC HÙNG