Bài cuối: Khó vực dậy Y đức
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:23, 28/10/2012
Trong cơ chế thị trường hiện nay, hiện tượng tiêu cực đã len lỏi vào nhiều khoa phòng của bệnh viện...
Thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong các cơ sở khám chữa bệnh là một giải pháp
để đẩy lùi tiêu cực trong bệnh viện (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lo lắng về việc chi tiền bồi dưỡng thầy thuốc. Chính sự xuống cấp về y đức đã ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của các bệnh viện, gây mất lòng tin của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đối với thầy thuốc.
Ngành y đề cao y đức
Trong thời gian qua, ngành y tế tỉnh ta đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao y đức cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Năm 2011, nhằm tạo phong trào thi đua sâu rộng, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử trong các cơ sở KCB, đẩy lùi tiêu cực, góp phần nâng cao chất lượng KCB, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành y tế tỉnh đã tổ chức Hội thi "tuyên truyền về thực hiện quy tắc ứng xử". Cùng với đó, tháng 5 - 2012, Sở Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh. Các khoa, phòng thuộc các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh mỗi tuần một lần phải tổ chức sinh hoạt Hội đồng Người bệnh với thành phần tham dự là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân điều trị tại khoa từ 5 ngày trở lên và bệnh nhân chuẩn bị ra viện, lãnh đạo khoa. Triển khai xây dựng hòm thư góp ý tại 100% khoa, phòng để lắng nghe ý kiến phản ánh của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Những ý kiến khen ngợi, cảm ơn, phê bình sẽ được các bệnh viện đưa vào tiêu chí bình xét thi đua, thưởng tháng, năm đối với tập thể, cá nhân.
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Nhằm nâng cao y đức và thái độ phục vụ nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng tôi đã yêu cầu tất cả trưởng các khoa, phòng viết bản cam kết về việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, để thực hiện nghiêm quy chế dược trong bệnh viện, chúng tôi yêu cầu các khoa, phòng liên quan ký cam kết thực hiện không bán thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao tại các khoa, phòng trong bệnh viện. Thay đổi cung cách phục vụ của các kíp phẫu thuật. Nếu trước đây, các bác sĩ chỉ tiến hành mổ cho bệnh nhân vào buổi sáng, dẫn đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải chờ đợi thì nay chúng tôi yêu cầu các bác sĩ phải thực hiện mổ theo giờ. Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân".
Một trong những vấn đề quan trọng nhất của y đức chính là yếu tố con người. Hiện nay, toàn tỉnh có 5.742 cán bộ hoạt động trong lĩnh vực y tế với tỷ lệ 6,06 bác sĩ/1 vạn dân. Ngoài ra còn một lực lượng khá đông đảo các y, bác sĩ đã nghỉ hưu vẫn đang tham gia KCB. Trong đội ngũ y, bác sĩ có nhiều chuyên gia giỏi, làm chủ kỹ thuật điều trị phức tạp, điều trị thành công những ca bệnh nặng, hiểm nghèo. Trong KCB, không ít những y, bác sĩ đã trực tiếp hiến máu cứu sống bệnh nhân. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được ngành y tế tiến hành thường xuyên, các vụ việc tiêu cực đều được xử lý kịp thời, có tình có lý. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật được Đảng và Nhà nước cũng như tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc thuận lợi hơn.
Tiêu cực vẫn còn
Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp về nâng cao y đức nhưng trong những năm qua, vẫn còn nhiều vụ việc liên quan đến tiêu cực trong công tác KCB của không ít các bệnh viện. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vẫn còn nhiều bức xúc, chưa hài lòng về cách ứng xử của một số y, bác sĩ, nhân viên y tế. Không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vẫn phàn nàn về các thủ tục hành chính ra, vào viện, chuyển viện, tính minh bạch trong việc cung cấp dịch vụ và chi phí, tinh thần thái độ của nhân viên y tế.
Một ngày đầu tháng 10, tôi cùng anh bạn (người nhà của bệnh nhân) đến thăm bệnh nhân vừa mổ thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi mổ bệnh nhân được chăm sóc khá tốt, sức khỏe đang phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về việc có phải "lót tay" cho bác sĩ không. Bà (xin phép không nêu tên) buồn rầu cho biết: "Sau khi hoàn thành ca mổ, dù rất khó khăn nhưng gia đình tôi vẫn phải lo 3 triệu đồng bồi dưỡng cho các bác sĩ. Mỗi lần thay băng, lau rửa vết thương, người nhà tôi lại phải bồi dưỡng cho y tá 20 nghìn đồng. Nếu không bồi dưỡng như thế thì họ làm đau lắm!".
Đến khu vực dành cho các bà mẹ nghỉ sau khi sinh tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh, chúng tôi cũng được nghe rất nhiều chuyện về việc các bác sĩ "gợi ý tiền bồi dưỡng". Một chị gần 50 tuổi đưa con gái đi đẻ bức xúc cho biết: "Bây giờ cơ chế như thế rồi, nói mãi cũng thế thôi. Nếu mình không có tiền bồi dưỡng cho bác sĩ thì thậm chí sẽ được các y tá nhắc nhở ngay. Thành ra ai đến đây cũng phải xác định rõ một khoản đó rồi". Chị cho chúng tôi biết tên tuổi, địa chỉ nhưng sau khi chúng tôi đi thì chị chạy theo và nói: "Anh là nhà báo à? Tôi xin anh đừng nêu tên, tuổi địa chỉ của tôi nhé. Nhỡ đâu lần sau lại phải đưa con, cháu đến đây nhỡ bác sĩ biết thì chết tôi".
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nâng cao y đức, Thạc sĩ Phạm Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Nói về vấn đề y đức, cũng cần phải có sự hiểu biết đúng mực về đặc thù của ngành y. Bác sĩ cũng là một nghề, nhưng là nghề đặc biệt. Nghề y cũng là nghề được đào tạo, thử thách, rèn luyện khắc nghiệt nhất trong các nghề, môi trường làm việc căng thẳng, tính rủi ro nghề nghiệp cao. Muốn nâng cao y đức, bên cạnh các giải pháp khác thì lãnh đạo các đơn vị cần có chính sách nâng cao thu nhập cho y, bác sĩ để họ yên tâm công tác và cống hiến. Hiện nay, thu nhập của bác sĩ vẫn đang còn nhiều bất cập. Lương bác sĩ mới ra trường còn chưa đủ sống, thu nhập của đội ngũ y tá còn thấp. Một số bác sĩ giỏi mở phòng mạch tư, hoặc làm thêm ở bệnh viện tư có mức thu nhập cao, nhưng số lượng không nhiều. Trong khi đó, bệnh viện tư có cơ chế thoáng nên họ trả lương cho bác sĩ cao hơn nhiều lần so với bệnh viện công. Dĩ nhiên không thể nói do thu nhập thấp mà vi phạm y đức, nhưng ở góc độ nhà quản lý thì việc cải thiện thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ là một biện pháp quan trọng để nâng cao y đức.
NHÓM PV CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI