Người hẹn đợi mùa thu
Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:54, 28/10/2012
Đặt xong chiếc vó, Vách ngồi xuống mô đất, cạnh Len. Hai đứa lặng im nhìn về khoảng mông lung trước mặt.
Phía ấy là dòng sông. Bên này đê là cống ngầm, cách “cây đa ông Sắn” chừng bốn năm mươi mét. Cây đa như dáng người khổng lồ nhìn về cống Quý Xuyên, nơi con mương đang ngày đêm cần mẫn, dẫn dòng nước chảy dài xanh mướt mát về tới tận chân làng.
Đêm. Mùa thu. Trăng suông. Mùa trăng thứ bao nhiêu của thiên địa mông lung, chả biết ? “Nhưng, với Len, nhóc bé bỏng, thơ dại của anh ơi. Đây là “trăng thu nhá!”. “Mùa trăng thu” năm thứ mười ba rồi đấy, nhóc ạ. Nhóc chả còn bé bỏng gì nữa. Với em. Nhớ không. Gái thập tam rồi. Em côi cút. Anh, bố mẹ cũng không còn. “Ông bà Sắn” cưu mang hai chúng ta. Chúng ta lại nương tựa vào ông bà. Phận người đi trên cõi đời này không dễ. Lớn lên, rồi em hiểu. Còn bây giờ, nhìn kìa. Gió từ bờ sông thổi mạnh. Đêm trở lạnh. Có mớ cá này, mai vào chợ, đủ bữa rồi. Ta về thôi, em nhé…”
Đấy. Lời Vách nói với Len, đêm chạy tản cư từ Thiết Tranh về căn lều “gốc đa ông Sắn”.
Vách hơn Len bốn tuổi. Vách ở với ông Sắn, người làng khi bố mẹ bị chết trong trận bom na-pan giặc Pháp. Ngày ấy, cả vệt làng Quý Xuyên cháy trụi. Vách được ông Sắn lôi ra từ đống lửa cạnh chái nhà khi mảng áo trên vai đang cháy sém. Còn Len được ông Sắn nhặt về từ một buổi chạy càn. Cô bé quờ quạng, thoi thóp bên góc chợ giữa đám người chết đói nằm chất chồng la liệt.
Cảnh bần hàn, đói rách bấu víu nhau. Ông Sắn liều, đưa cái gia đình “mong manh, chắp vá” này về gốc đa cắm lều, sống qua ngày đoạn tháng.
Thuở son sẻ, sinh nở mấy lần chẳng đậu, vợ chồng ông Sắn có Vách và Len, coi hai đứa chẳng khác con đẻ.
Dưới gốc đa, một căn lều được dựng bằng lau sậy. Tường đất cơi lên, thấp tè. Ông Sắn gọi, đấy là “tổ cú” lạc bầy.
Bốn người dắt díu nuôi nhau. Hằng ngày, ông bà Sắn lang thang đi khắp cánh đồng đào khoai, mót lúa. Len thường theo Vách xuống vùng bãi ven sông để đuổi cáy, câu tôm.
Bãi Lác um tùm lau sậy. Vẻ hoang dã, tĩnh lặng. Vách và Len thi nhau kéo từng bước chân lép nhép trên lớp sa đặc quánh. Cả hai lắng nghe tiếng cáy thở rì rầm. Tiếng những chú cá lác phóng qua rạch nước kêu lách chách. Thỉnh thoảng, từ bãi cói, những cánh chim vụt lên. Chim tên gì, đủ sắc màu rực rỡ. Vách và Len đứng nhìn. Con tim bỗng đập rộn. Cánh bãi trước mặt bỗng hóa thành nơi thâm u cất giấu bao nhiêu thần bí.
Vách dẫn Len chui vào bãi cói. Nghe tiếng chân người, cáy rào rào chạy. Những con cáy, con cù kì, mình nâu, gọng đỏ nom thật đẹp. Chúng ngã chồng lên nhau, tản vào các chân cỏ rậm rịt.
Vách chạy thoăn thoắt, dọc ngang cánh bãi. Khi ngước nhìn mặt trời đi ngang qua mặt, chiếc giỏ bên lưng Vách đã nặng trĩu. “Đầy một giỏ cáy rồi”. Vách kêu lên, giục Len. “Em về đi. Anh bơi qua sông, bán mớ cáy kẻo muộn”.
Len gật đầu, nhìn cây đa, lẽo đẽo quay gót về nhà. Tới mặt đê, Len đứng nhìn bóng Vách nhỏ xíu đang bơi qua dòng sông trước mặt. Vách bước lên bờ, đi như lao. Len biết. Vách tìm vào một nhà gần chợ Đồn, bán cáy. Chợ Đồn giáp bốt địch. Có cả quan Tây, lính ngụy đóng ở đấy.
Vách không sợ lại chịu khó. Nhiều đêm, Vách vác vó lao xuống tận cửa sông ngồi kéo. Khuya. Ông Sắn phải chống gậy đi tìm. Vách nằm ngủ quên bên đống cỏ. Dọc quãng bãi dài, vắng tanh, người Quý Xuyên bảo, Vách giống như bóng “ma trơi”.
Những ngày triều cường, mặt sông mênh mông nước. Người ta thấy Vách giơ hai tay lên trời. Vách có tài bơi đứng. Lấy chân làm bàn đạp. Người Vách nhô cao. Nước sông chỉ chạm tới vồng ngực. Có hôm, gấp áo đặt lên đầu, Vách bơi như lao. Đôi bờ sông, với Vách, chỉ qua lại trong vài ba chớp mắt.
Vách bơi giỏi, lặn giỏi. Một hôm, phát hiện chú bồ nông thả mình trôi theo dòng nước, hai mắt mơ màng ngủ, Vách bảo Len: “Ôi, thích chưa. Anh sẽ bắt nó, khao cả xóm bãi này bữa no nê em nhé”. Vừa nói. Vách đã lặn, chuồi đi rất xa. Len đứng chờ mỏi mắt. Động. Con bồ nông đã đạp nước, tung cánh bay đi. Chỉ còn những gợn sóng vẫn lặng lẽ chảy dài. Mặt sông vẫn một màu mịt mờ, vắng lặng. Vậy mà, chờ mãi, không thấy Vách. “Có lẽ, Vách đã chết đuối, chìm nghỉm đâu mất.” Len khóc thét lên. Khi tiếng gọi từ cổ Len đã đặc khàn, lịm đi trong gió. Bấy giờ, từ bờ sông bên kia xa tít, Vách mới nhô lên, tay giơ cao cây lau làm cờ vẫy vẫy. Len hoảng hồn, khóc không dỗ được.
Buổi ấy, kéo vó, Vách bắt được con cá măng dài chấm gót. Vách bảo Len: “Em theo anh”. Len ngần ngừ nhưng làm theo mệnh lệnh. Len vừa bám vào cánh tay, Vách đã kéo Len, cả con cá nhoài ra giữa sông. Vách bơi sang bờ bên kia tìm vào phiên chợ.
- Hê. Nhóc con - Nghe tiếng quát, Vách ngước lên. Len run sợ ôm chặt lấy Vách. Biết tốp lính đóng ở bốt chợ Đồn đang tiến lại, dọa. Vách nhăn nhở, nịnh - Xin chào các quan. Các quan làm ơn mua giúp cháu con cá này nhé.
- Mua á? - Một tên lính giơ mũi súng dí vào trán Vách, quát - Nộp cho quan. Mày cướp ở đâu?
- Dạ. Cháu kéo vó được ạ.
Không nói gì, tên lính giật lấy con cá, giơ mũi giầy đinh đá Vách lăn xuống dốc đê. Chúng cười, giọng khả ố. Len chạy theo xuống dốc ôm lấy người Vách đang nằm lăn bên vũng nước. Len khóc. Vách căm giận nhìn theo mấy tên lính. Vách đưa tay lau giọt nước mắt trên má Len, dỗ. “Em nín đi. Tụi giặc ác này, nhất định tao sẽ giết chúng mày” .
Nghe Vách nói, Len không tin. “Vách giết thế nào được. Chúng từ đâu kéo đến đây cắm bốt. Nhiều đêm, tiếng súng, tiếng móc-chê từ cửa sông câu qua cánh bãi nghe cháy bỏng cả trời. Những trận càn ập về. Xe tăng, lính tráng nhí nhố đầy đường. Làng Quý Xuyên nằm trong vùng tạm chiếm. Vách còn nhỏ. Trong tay chẳng có súng ống gì. Giết chúng bằng cách nào ? Đắc thù mà nói vậy.
Nhưng, từ buổi ấy, Len thấy lạ. Vách thường thì thầm những gì với ông Sắn. Nhiều đêm, Vách vác vó lao xuống bãi, mấy đêm chẳng thấy về. Một khuya. Nghe tiếng gà gọi canh, ông Sắn hốt hoảng dựng cả nhà bật dậy. Người thanh niên Mét Thượng mò đến lều gốc đa, giọng hổn hển: “Vách đâu ông? Nhanh. Cả nhà mình phải mau chóng tản cư, lánh nạn. Đêm nay, Vách xung phong làm nội công vào đặt mìn phá bốt. Mìn đã nổ. Tin báo. Vách có thể bị bắt…”
Len bàng hoàng, trống ngực đập huyên náo. “Thì ra, từ lâu, Vách bí mật tham gia hoạt động trong đội thiếu niên du kích Quý Xuyên. Chả biết, ông bà Sắn có biết không. Còn Len, chỉ nghe người làm đồng ngồi nghỉ dưới gốc đa bàn tán. “Vách cầm tinh con gì mà làm bạn được với hà bá. Suốt ngày như bóng ma trên sông. Vách bơi lặn như thần. Nhiều lần, dám mang vó vào tận bốt kéo cá. Hình như, có lần, vợ sếp bốt Đồn chả hiểu thế nào đã tặng cậu thuốc lá, cả đồng tiền Đông Dương nữa.
Như phát hiện giọt nắng lóe lên trong góc khuất, Len nhìn Vách bỗng khác. Có cái gì không yên bình, tĩnh lặng trong Vách, con người hằng ngày cùng Len lao xuống bãi săn cáy, cùng ăn chung bữa cơm, cùng sống chung với nhau dưới căn lều nhỏ hẹp.
Đang nghĩ và mường tượng về Vách sau đêm nghe tin “Vách tham gia đánh bốt và không thấy trở về”. Bỗng một chiều, Vách vào nhà thờ Thiết Tranh, nơi dân chạy tản cư tìm gặp ông Sắn. Vách tiết lộ: “Vách cùng du kích đặt mìn ở bốt chợ Đồn. Mìn nổ. Ba tên lính bị chết. Chúng nghi du kích An Thổ đột nhập và đang mở cuộc trả thù dữ. Mọi người hãy tản cư, chưa về được. Mình Vách sẽ trở lại gốc đa vó chũm và trông nom nhà cửa".
Vách đi vội. Len đòi theo cùng về. Vàng mặt trời, Vách và Len tới căn lều gốc đa quen thuộc: “Nhà mình đây rồi. Nhớ cửa sông, nhớ vó chũm quá". Hai anh em Vách ăn vội nắm cơm nguội rồi cùng nhau lao xuống cửa sông.
Đêm. Vách thả vó, ngồi im, mắt ngước nhìn bầu trời trước mặt.
Trăng thu đêm nay đẹp quá. Dòng sông chảy vàng, nom mênh mang, vời vợi. Trời không một gợn mây. Những ngôi sao chi chít như cộm lên trên nền xanh, cao vút. Bỗng có dòng nước quẩn mạnh làm bốn gọng vó rung rung. Hai chú cá to dài, lấp lánh vẩy sáng, nhảy vút lên trước mặt. Vách vội kéo. Lòng vó sôi lục sục. Vách mất đà ngã dúi. “Thắng rồi" - Vách kêu lên. Hai con chép vàng ươm, dài như hai bẹ cau, vật mình, giẫy đạp tung tóe.
Vách gọi. Không thấy Len. Kéo được cá lên bờ, buộc túm cá nằm im trong đáy, Vách đi về phía cửa sông, nơi Len vừa lặn hơi dài rồi òa lên mặt nước. Đêm trăng. Vách ngắm nhìn những ánh vàng chảy tràn trề trên cơ thể, nom Len chẳng khác một nàng tiên bỗng từ đâu rơi xuống.
- Anh gọi em à - Len hỏi - Trời thu, nẫu quá. Em tắm chút. Nào. Anh lại đây kỳ lưng cho em với.
Vách đứng sững. Một chút gì chưa thật rõ rệt bỗng làm Vách ngần ngừ. “Thì ra, Len vẫn trẻ con, hồn nhiên vậy ư?”. Sống bên Len gần chục năm trời, hôm nay, bỗng nhiên, Vách nhìn Len thật khác. “Hình như, Len ơi, em đã chạm vào ngưỡng cửa của một thiếu nữ đang vào tuổi dậy thì rồi.” Hai vồng ngực Len bỗng nổi căng. Tuổi mười ba. Đêm nay, lần đầu tiên Vách thấy Len tuyệt đẹp. Có hương vị nào mang chút men say đang tỏa ra từ cái tuổi vừa thăng hoa, đổi khác? Nó gợi khêu, quyến rũ làm thổn thức từ thẳm sâu nơi con tim cảm nhận của Vách.
“Thế nào nhỉ, nhóc Len”. Hỡi bé bỏng yêu dấu của anh. Đã gần chục năm trời, ông bà Sắn mang Vách và Len buộc vào nhau một nút buộc thật mỏng mảnh, yêu thương. Vách và Len sống trong một căn lều, cùng gọi “ông bà Sắn” là cha, là mẹ. Đêm đêm, hai đứa cùng ngủ chung giường, cùng ăn chung mâm. Từ thuở năm sáu tuổi, hằng ngày Vách vẫn thường tắm táp, kỳ cọ cho Len. Mới rồi, trong lần ốm “thập tử nhất sinh,” tưởng ông bà Sắn qua đời. Ngỡ rồi, Vách phải đóng vai người cha, người mẹ, người anh mà cưu mang lấy Len. Dù hai mảnh cô đơn, nghèo khổ nhưng Vách bỏ Len sao được. Vậy, Vách và Len là anh em. Là một nhà. Là tình sâu, nghĩa nặng mà ông trời đã bày đặt nên kia. Song, Len ơi. Hai đứa mình đâu phải ruột rà, máu mủ. Vách là anh. Vách cũng có thể là “người yêu” Len được chứ. Không hiểu từ lẽ gì sai khiến, những ngày này, khi vào tuổi dậy thì của người con trai như Vách, Vách chợt thấy một tình cảm thật phức tạp trong mình cứ thấp thoáng trỗi dậy. Có lúc Vách thừa nhận Vách và Len là thế. Có lúc, Vách lại tự nghĩ, tự biện hộ cho mình bao nhiêu là lý, để rồi Vách nhất quyết không chịu thừa nhận nó là vậy nữa. Rồi, một mai, sẽ là gì? Nếu Vách không còn “Len bé bỏng” ở bên cạnh đời mình? Nghĩ đến phút này, Vách khẽ kêu lên. “Ôi. Không thể. Không thể”. Dường như, có một luồng máu của cơn ghen tuông nào đấy thì phải. Nó se sẽ chạy qua thái dương làm Vách hơi choáng, mụ đi. Vách chợt cảm rồi vội vàng xóa đi, không dám nghĩ đến nữa.
*
Dịp này, cả vùng làng ven sông Quý Xuyên địch càng o ép mạnh, Vách vắng biệt không về. Một sớm, tờ mờ đất, tại khu tản cư, Len núp chặt vào lưng ông Sắn hồi hộp nghe người đưa “tin mật.” “Du kích hai bên sông đang phối hợp mở chiến dịch đánh địch. Vách dẫn đầu một mũi vào tiêu diệt bốt Hàn. Địch điên cuồng lùng sục, càn quét. Tảng sáng nay, Vách đã dũng cảm trèo lên cây đa ông Sắn cắm lên một lá cờ …
- Vách cắm lá cờ đỏ sao vàng phải không?
- Đúng thế. Các bác biết tin không?
- Biết. Cả vùng chợ sớm nay, dân xôn xao bàn tán nhiều lắm. Vách có bị bắt không?
- Chưa biết. Một tốp lính rình đuổi. Vách trốn xuống bãi. Chúng bắn dữ và đang ra sức lùng sục.
Đang sốt ruột ngóng tin Vách, hai ngày sau, vừa sẫm tối, chàng thanh niên Mét Thượng đêm nào lại tìm gặp ông Sắn rồi đưa riêng cho Len mảnh giấy. Vài dòng chữ Vách viết vội. “Len ơi. Anh đã xa em rồi. Anh đã xung vào đội quân thường trực, làm lính đánh giặc. Tạm biệt cha mẹ. Tạm biệt đứa em yêu quý nhất của đời anh. Anh sẽ về. Nhất định anh sẽ về. Sẽ mãi mãi ở bên em. Len nhé...”
Đọc thư. Không hiểu buồn hay vui, Len bỗng òa lên khóc. Sau này, Len nhớ. Hôm ấy, vào một đêm mùa thu, cả đất nước đang náo nức đón chào ngày Quốc Khánh của dân tộc.
Cùng đất nước, làng Quý Xuyên bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày tháng, Len lớn lên theo những đêm tản cư, những ngày chạy giặc. Lớn theo nỗi nhớ, nỗi suy tư, cảm nhận và bao nhiêu cái nghĩ cứ lấp lóe, loang dài từ lời hẹn yêu thương và thiêng liêng của Vách: “… Đứa em yêu quý nhất của đời anh. Anh sẽ về. Nhất định anh sẽ về. Sẽ mãi mãi ở bên em. Len nhé...”
Len khóc. Nước mắt nhiều đêm đã nhòe ướt dòng thư. Nhưng, có gì luôn xốn xang, thầm thì xao động trong nỗi nhớ lặng sâu. “Ở đời, ông Trời đã cho Len và Vách gặp nhau. Cho hai đứa thành một nhà, thành anh em trong đời người, kiếp phận. Len sẽ đi tìm Vách. Nhất định không thể xa, Len sẽ đi tìm bằng được Vách, người anh thân yêu nhất của đời mình”.
Len xung phong vào hỏa tuyến lúc vừa tuổi trăng tròn. Theo đoàn dân công lặn lội khắp các chiến dịch. Khi mở đường, khi tải đạn, cứu thương. Đến đâu, Len cũng ngóng tìm tin Vách. Ba bốn năm trời bặt tin, vô vọng, Len trở về quê khi miền Bắc hòa bình được lập lại. Bấy giờ, ông bà Sắn đã qua đời. Vách có tin trong đoàn quân Nam tiến.
Dưới “gốc đa ông Sắn,” Len, người phụ nữ lầm lũi dựng lên căn nhà vách đất trên dấu tích của túp lều xa cũ. Người con gái xinh đẹp mới ngoài hai mươi tuổi, gắn chặt đời mình với chiếc vó cửa sông. Len ở một mình, côi lẻ suốt một thời xuân sắc.
Năm tháng đời người chẳng khác gì mặt sông, bóng nước. Căn nhà người phụ nữ dưới gốc đa của một vùng cửa sông giống như góc khuất. Dân Quý Xuyên bảo nhau, ngỡ vừa mới hôm nào đó thôi. Trong lặng lẽ, ngước trông, cô gái Len thoáng chốc giờ đã thành bà lão. Len đã già. Đôi mắt người đàn bà nom đờ dại. Đầu tóc bạc trắng. Lưng còng. Chân nặng nề, nhấc đi từng bước một.
Rồi một sớm, cả trại lẻ bỗng buồn thương cho số kiếp người đàn bà góa bụa, không chồng con, không họ hàng thân thích, vừa từ giã cõi đời. Họ lục tục kéo đến, thành tâm thắp cho người cô quả một nén nhang ly biệt.
Hôm ấy, đội kèn tang xóm bãi rên rỉ bài khóc than cho kiếp “Sinh sinh, hóa hóa. Kiếp ảo ảnh. Kiếp vô ngã” đời người.
Trong tiếng kèn bi ai, ảo não, họ thường gặp ở lời ca như cái chung trong tất cả các đám tang thường được tấu lên, đội bát âm Quý Xuyên lấy làm thỏa lòng khi kiếm được một bài thơ do chính bà Len viết và để lại. Bài thơ, tự khi nào, bà Len viết cho mình. Đây là “lời ai điếu” thật riêng trong lễ tang khóc bà, tiễn biệt bà, thanh thản đi về miền cực lạc.
Tiếng kèn bổng trầm, than van, ai oán cùng lời ca: “Mùa thu ơi/ Người thương yêu ơi... Người đi/ Người vẫn đợi… Sao Người, mãi chẳng thấy về…”
Dường như, không ai hiểu được lời ca ấy.
Người xóm bãi đứng nhìn nấm mộ khuất nhòa trong làn khói hương mỏng tang, mờ mịt. Họ thấy cay cay nơi vành mắt, những giọt nước bỗng thầm lặng ứa ra.
Truyện ngắn của KIM CHUÔNG