Cò đã trở về An Lạc
Môi trường - Ngày đăng : 07:09, 30/10/2012
Tin có nhiều đàn cò trở về An Lạc (Chí Linh) làm chúng tôi đặc biệt quan tâm. Điện nhờ cán bộ xã kiểm tra kỹ tin này, chúng tôi được biết không những chúng về nhiều mà còn về làm tổ, đẻ trứng, nuôi con nữa. Trước thập niên 80 của thế kỷ trước, tại đây đã có một vườn cò “vô tiền khoáng hậu” trong rừng tre của cụ Lềnh Để.
Được Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh ủng hộ, cách đây ít ngày, chúng tôi cùng lãnh đạo Liên hiệp hội đã có một chuyến khảo sát cặn kẽ xem vì sao đàn cò lại trở về dù rừng tre xưa không còn nữa. Theo UBND xã, An Lạc có 99 quả đồi, xa xưa có rừng phủ kín. Sau vì cây bị chặt hết, nên trở thành đồi trọc. Gần đây, những đồi trọc ấy đã khoán cho dân trồng lại rừng, chủ yếu là cây bạch đàn và keo tai tượng xen kẽ với nhiều cây bản địa. Nhờ đất tốt nên rừng cây đã rậm rạp trở lại. Tuy vậy, các đàn cò “khó tính” chỉ chọn có vài quả đồi rậm rạp nhất, cách trở nhất ở khu An Bài, nằm ở phía đông của xã, giáp với bờ sông Kinh Thầy để cư trú. Xã cử một công an viên nắm chắc địa hình dẫn đường. Ô-tô chỉ đi được nửa đường. Nửa đường còn lại phải đi bộ theo một đường độc đạo. Rẽ cây để đi, có chỗ phải lội, có chỗ leo dốc, có chỗ bước trên thảm thực vật dày và “rùng rình” như bước trên thảm rơm vậy. Phải đi loanh quanh nhiều sườn đồi mới tiếp cận được nơi có cò cư trú. Qua ống nhòm trông thấy tổ cò, cò bay đi, bay về và xa xa là sông Kinh Thầy như một dải lụa vàng màu phù sa.
Khu ấy địa phương gọi là “đập” vì nước được giữ lại tạo thành dòng suối lượn quanh những quả đồi với mức nước sâu từ 1 - 2 m. Chính nhờ dòng suối vừa cách ly với người, vừa giàu cua, cá, tôm, tép và côn trùng các loại này mà đàn cò đã chọn đến sống ở đây. Chúng tôi đến đảo vào cuối buổi sáng nên cò trưởng thành đã đi ăn xa. Chỉ trông thấy các cò non bay kiếm ăn ở suối, thấy động bay về tổ. Qua điều tra, có các loài: cò trắng, cò ruồi, cò lửa, cò bợ và loài vạc. Theo dân địa phương, chiều tối chúng mới về đông và phủ trắng cả rừng cây.
An Lạc có Đền Cao linh thiêng nằm trên quả đồi giữa một rừng lim xanh và gần đây được “treo biển cây di sản quốc gia”. Bây giờ với đồi cò hiện hữu, An Lạc càng có tiềm năng trở thành một nơi du lịch tâm linh và sinh thái hấp dẫn.
Từ kinh nghiệm tôn tạo Đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện), chúng tôi đề nghị tỉnh, thị xã Chí Linh và xã An Lạc cấm tuyệt đối việc săn bắt, bẫy nhựa cây và cả thói quen ăn thịt cò của dân địa phương. Bảo vệ bằng được các đồi có cò, vạc làm tổ và sinh sống. Cò có tập tính đã chọn đồi nào thì chúng thà bỏ đi chứ không chịu chuyển sang đồi khác. Nên phân cho một số công an xã chuyên trách công việc này. Mở đường vào khu có đảo cò. Nên làm đường đi bộ, rải sỏi để ngăn cấm xe có động cơ vào. Đường vào và đường ra nên khác nhau và bố trí đi qua nhiều địa hình và cảnh quan đa dạng. Trên cơ sở bước đầu ấy, sẽ dần lập các dự án, trước mắt định tên các cây trên đường đi, treo biển tên cây (kèm tên khoa học) để khách du lịch thấy được tính đa dạng của hệ sinh thái đó. Nên sửa ngôi nhà gác rừng bỏ hoang trong khu ấy thành nơi để dụng cụ, thiết bị. Trên mái đặt viễn kính để ngắm cò từ xa.
Sau này có kinh phí sẽ dần dần khai thông các con suối ven đồi cò để có thể đi bằng thuyền xung quanh các đảo cò tấp nập ấy. Mua một số thuyền nhỏ chở khách đi trên suối quanh co để ngắm cò vạc.
Trên sườn đồi có thể làm một số nhà tre để khách nghỉ chân, ngắm cò vạc “giao ca”. Có thể bán cho khách các đặc sản khai thác ở đây như: cua, chạch, lươn, tôm và cá từ sông Kinh Thầy kế cận.
Ngoài một địa danh du lịch sinh thái hấp dẫn ra, khu vực này còn có tiềm năng tổ chức các loại hình du lịch “mạo hiểm” và du lịch “khám phá” như: leo núi, lội suối, trèo cây, đi thuyền, bắt cua suối… Đây có thể còn là nơi học tập và thực hiện các bài “tham quan thiên nhiên” trong chương trình của sách giáo khoa mới về sinh học và địa lý cho học sinh trung học.
NGUYỄN VĂN KHANG