Tập trung khôi phục sản xuất sau bão

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:48, 31/10/2012

Bão số 8 đã tàn phá nặng nề lúa, hoa màu vụ đông ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều diện tích trước nguy cơ mất trắng...







Nông dân thôn Thái Thạch, xã Hùng Sơn (Thanh Miện) dựng lại cây ngô bị đổ


Khẩn trương thu hoạch lúa chín

Chiều 30-10, nhiều cánh đồng lúa ở các xã Tuấn Hưng, Cộng Hòa, Kim Xuyên, Ngũ Phúc (Kim Thành) vẫn còn ngập nước. Mực nước ở nội đồng còn lớn. Nhiều nông dân tất bật thu hoạch lúa mùa trung đã chín bị đổ rạp xuống mặt ruộng sũng nước. Cả 8 sào lúa của chị Nguyễn Thị Dịu ở thôn Quảng Đạt (xã Ngũ Phúc) đều bị đổ rạp, ngập nước. Vừa bì bõm lội ruộng gặt lúa, chị Dịu vừa than thở: "Bị ngâm nước, hạt thóc bắt đầu nảy mầm. Nếu không gặt nhanh thì hỏng hết". Xã Ngũ Phúc có 185 ha lúa bị đổ, chủ yếu là lúa nếp. Khi bão tan, nông dân đã vớt bèo, khơi thông dòng chảy để chống úng. Chiều 30-10, trạm bơm Ngũ Phúc vẫn đang hoạt động hết công suất. Sau 1 một ngày bơm tiêu, mực nước ở bể hút trạm bơm đã rút khoảng 0,8 m. Theo UBND xã Ngũ Phúc, tính đến chiều 30-10, xã chỉ còn khoảng 30 ha lúa vùng bãi bị úng. Nhiều khả năng đến hết ngày 31-10 sẽ không còn diện tích úng.


Nông dân thôn Quảng Đạt, xã Ngũ Phúc (Kim Thành) thu hoạch lúa chín đã bị đổ


Ở thôn Phù Tải 2, xã Kim Đính, nông dân đang tập trung phun thuốc phòng, trị nấm, bệnh cho cây ớt vì sau mưa bão ớt dễ nhiễm bệnh. Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Đính cho biết: Bão số 8 làm gần 28 ha lúa ở xã Kim Đính bị đổ, ngập trong nước; 43 ha rau màu bị ngập úng (trong đó 17 ha ớt bị đổ, gẫy). Hai ngày vừa qua, các cơ quan chức năng và nông dân đã tập trung khoanh vùng, bơm tiêu úng, tháo nước tự chảy qua cống dưới đê. Đến chiều 30-10, toàn bộ diện tích rau màu và 1/3 diện tích lúa đã thoát úng. Nếu không có mưa thì đến ngày 1-11, diện tích lúa sẽ hết úng. Sắp tới, Công ty Thanh Bình sẽ cung ứng phân bón Neb26 cho nông dân để phục hồi diện tích rau màu bị ảnh hưởng.

Theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 3.500 ha lúa mùa muộn, mùa trung bị giảm trên 30% năng suất, 505 ha ngô bị mất trắng, 2.500 ha rau màu bị thiệt hại 70% sản lượng đến mất trắng... Tổng thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp do bão số 8 gây ra ước tính 805 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực trồng trọt thiệt hại gần 764 tỷ đồng, thủy sản 41 tỷ đồng. Ngày 29-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 12,2 tỷ đồng để khôi phục sản xuất nông nghiệp.


Theo ông Nguyễn Đồng Khởi, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kim Thành, hiện tại, tất cả 8 trạm bơm tiêu vẫn đang hoạt động hết công suất. Nhiều địa phương đã mở thông các cống dưới đê để tranh thủ tiêu nước tự chảy ra sông ngoài. Do lúa bị đổ rạp nên xí nghiệp phải tiêu cạn nước trên ruộng. Nếu không có mưa thì dự kiến 4 ngày nữa sẽ cơ bản hoàn thành việc tiêu úng cho lúa. Để khôi phục sản xuất sau bão, ngày 29-10, Trạm Khuyến nông huyện Kim Thành đã có hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật áp dụng cho lúa, rau màu.

Khôi phục sản xuất rau màu vụ đông

Chiều 30-10, có mặt tại xã Hùng Sơn (Thanh Miện), ông Triệu Đình Hiền, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết: Bão số 8 gây thiệt hại khoảng 40 ha trong tổng số hơn 50 ha cây trồng của xã, chủ yếu là ngô, bí, ớt... Ngay từ chiều 29-10, UBND xã đã cho máy bơm hoạt động hết công suất để tiêu thoát nước cho diện tích ngập úng. Đến nay, toàn bộ diện tích cây vụ đông của xã đã được tiêu thoát nước, không còn diện tích bị ngập. Nhưng đối với cây ngô, do gặp bão đúng kỳ đang ra bắp nên không thể trồng lại. Xã đã hướng dẫn nông dân trồng xen canh một số rau ngắn ngày như mùi, thìa là...

Xã Phạm Kha (Thanh Miện) có 104 ha rau gia vị. Bão số 8 đã gây thiệt hại hoàn toàn 65 ha rau màu của nông dân, tập trung ở  2 thôn Đỗ Thượng và Đỗ Hạ. Bà Vũ Thị Dục ở thôn Đỗ Hạ cho biết: "Nhà tôi có 3 sào trồng rau thơm thì cả 3 sào đều bị bão làm dập nát, mất trắng. Để khắc phục, chúng tôi phải mua chịu hạt giống để gieo lại. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho nông dân bớt khổ".

Theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, đến ngày 30-10, toàn tỉnh đã có khoảng 6.000 ha lúa, rau màu thoát úng. Tuy nhiên, khoảng 5.000 lúa, rau màu vẫn ngập trong nước, tập trung tại các huyện Kim Thành, Kinh Môn, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang. Hiện nay, tất cả các trạm bơm tiêu ở 11/12 huyện, thị xã, thành phố vẫn đang hoạt động hết công suất (trừ huyện Bình Giang không phải bơm). Nếu trời không mưa, dự kiến vài ngày nữa thì lúa, rau màu sẽ hết ngập úng.

TheoSở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với diện tích lúa đã chín hoặc chínsinh lý, nông dân khẩn trương thu hoạch ngay. Diện tích lúa mùa muộn cần tậptrung bơm gạn trong thời gian nhanh nhất, nếu lúa đổ rạp phải bó buộc dựng lênđể lúa tiếp tục vào mẩy và hạn chế sâu, bệnh hại. Đối với cây vụ đông, cây ănquả, diện tích cây không bị chết phải khẩn trương tiêu úng và chăm sóc cho cây;khi nước rút, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, xới xáo phá váng khi đất ráo, tạothuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển. Đối với ngô phải để cây tự hồi phụctừ 3-5 ngày, sau đó mới chèn thêm đất vào gốc và dựng cây thẳng lên để rễ phục hồi. Khi cây ngô hồi phục, bắt đầu bén rễ, ra lá thì mới bón phân bổ sung.Với diện tích cây bị ảnh hưởng nặng, bị chết, nông dân cần chủ động vệ sinhđồng ruộng, dồn dặm, trồng lại. Cây vụ đông trồng lại cần tranh thủ thời vụ, ápdụng các biện pháp ươm cây giống trong bầu, trồng cây trên nền đất ướt, làm đấttối thiểu, bố trí cây trồng còn thời vụ như: khoai tây, su-lơ, su hào, cải bắp,rau đậu ngắn ngày. Cây khoai tây thời vụ trồng từ nay đến hết 20-11-2012. Câyrau đậu khác đến hết 31-12-2012.


PV