Luật Thủ đô cần phân cấp trách nhiệm rõ ràng
Tin tức - Ngày đăng : 05:23, 06/11/2012
Một là, tôi băn khoăn về những quy định phân cấp đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giữa Chính phủ và UBND TP Hà Nội có những nội dung chưa rõ ràng. Khoản 2, điều 17 có quy định Nhà nước đầu tư, huy động các nguồn lực để xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kể cả các công trình ngầm, có quy mô lớn quan trọng trên địa bàn Thủ đô. Ở đây chủ thể Nhà nước không cụ thể là trách nhiệm của Quốc hội, hay Chính phủ, công trình có tiêu chí nào là công trình quy mô lớn và quan trọng, hơn nữa quy định Nhà nước tập trung đầu tư, xây dựng, sau đó lại bảo trì, bảo dưỡng mà không giao lại cho Thủ đô quản lý, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng, dễ tạo ra sự đùn đẩy trách nhiệm giữa Thủ đô với các cơ quan Trung ương.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương)
Hai là, về phạm vi điều chỉnh tại điều 2 quy định vị trí, vai trò của Thủ đô. Tôi đề nghị cần bổ sung quy định cả trách nhiệm của Thủ đô; cả nước có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đồng thời Thủ đô cũng phải thể hiện rõ trách nhiệm với cả nước. Quy định như vậy thì mới bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật Thủ đô, vì tại điều 5 có quy định trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước.
Ba là, trong dự thảo Luật Thủ đô không xác định rõ mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong khoản 1, điều 5 về trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước có nêu xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Theo tôi, xây dựng và phát triển Thủ đô "văn minh, hiện đại, tiêu biểu" chính là mục tiêu cần được khẳng định xuyên suốt trong Luật. Thủ đô nếu chỉ văn minh, hiện đại thì chưa đủ, vì khi đó cũng chỉ giống như các thành phố trực thuộc Trung ương khác. Mục tiêu đặt ra đối với Hà Nội và cả nước là tạo lập được ở Thủ đô một môi trường văn hoá văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến.
Bốn là, tại khoản 2, điều 9 về xây dựng và phát triển Thủ đô theo quy hoạch có quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp và lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học; cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành. Tôi băn khoăn với quy định này, bởi vì chưa rõ những loại cơ sở nào do Thủ tướng Chính phủ quyết định lộ trình và biện pháp di dời. Theo tôi, nên phân cấp và quy định rõ Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp và lộ trình di dời đối với các cơ quan của các bộ ngành Trung ương; còn lại giao cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định biện pháp và lộ trình di dời đối với các cơ sở của thành phố. Sửa như vậy sẽ phù hợp với mục b, khoản 3, điều 15 về quản lý đất đai có quy định rõ: Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí đầu tư cho cơ quan, đơn vị di dời theo phân cấp.
Năm là, tại khoản 3, điều 9, tôi đề nghị bổ sung thêm quy định cùng với việc quy định không xây dựng mới khu công nghiệp cũng phải quy định không xây dựng cụm công nghiệp mới trong nội thành. Tại khoản 2, điều 15 về phát triển và quản lý nhà ở, có quy định các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp nguy hiểm phải được cải tạo, xây dựng lại nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng và mỹ quan đô thị. Tôi cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp vì để đến khi các khu chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm mới cải tạo, nâng cấp thì không bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tôi đề nghị, nên quy định rõ các công trình xây dựng đô thị, nhất là các khu chung cư phải xác định và công khai tuổi thọ cho từng công trình; đồng thời quy định rõ trước khi chung cư hết thời hạn sử dụng bao nhiêu năm thì phải sửa chữa, chỉnh trang hay phá đi xây dựng mới.
Sáu là, trong dự thảo Luật đã đưa vào khái niệm vùng Thủ đô: “Vùng Thủ đô là khu vực không gian liên kết phát triển kinh tế - xã hội, gồm Thủ đô là trung tâm và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, để khái niệm "vùng Thủ đô" chính xác hơn, tôi đề nghị bỏ cụm từ không gian ra khỏi khái niệm, vì khu vực và không gian có nội hàm trùng nhau, hơn nữa khái niệm không gian trừu tượng.
Bẩy là, một số nội dung quy định trong dự thảo Luật Thủ đô đã được quy định trong những văn bản pháp luật khác, tôi nghĩ có thể không nhất thiết nêu lại trong Luật Thủ đô, vì đương nhiên khi thực hiện phải tuân theo các quy định của pháp luật. Ví dụ như tại khoản 4, điều 9 về xây dựng và phát triển Thủ đô theo quy hoạch, có quy định khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới trên địa bàn Thủ đô, việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư về việc lập quy hoạch trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị. Tôi cho rằng không cần đưa nội dung này vào, vì Luật Quy hoạch đô thị đã quy định.