Chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo chủ chốt

Tin tức - Ngày đăng : 19:35, 10/11/2012

Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng chỉ nên tập trung vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt.


Sáng 10-11, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội (QH), HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) cho rằng chỉ nên tập trung vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) cho biết đối tượng lấy phiếu tín nhiệm như dự thảo đưa ra là quá rộng.

Theo bà Trang, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên tập trung vào các vị trí chủ chốt như Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH; Thủ tướng Chính phủ và các phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao…


Đại biểu thảo luận tại hội trường sáng 10.11 - Ảnh: Ngọc Thắng

Riêng với các chức danh phó chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng dân tộc, các ủy viên của các ủy ban QH thì không cần lấy phiếu tín nhiệm vì phần lớn các chức danh này đều là kiêm nhiệm.

“Các ủy viên của Hội đồng dân tộc và các ủy ban QH hiện lên tới 380 người, mỗi người mỗi ngành, mỗi địa phương khác nhau. Nếu lấy tín nhiệm tràn lan e rằng kết quả mang lại không cao”, ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) phân tích.

Với các chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nhiều ý kiến của ĐBQH cho rằng nên lấy tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực HĐND, trưởng các ban của HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên của UBND.

Một số đại biểu bổ sung cần lấy phiếu tín nhiệm đối với vị trí giám đốc cấp sở, viện trưởng Viện KSND tỉnh, Chánh án TAND tỉnh vì đây là vị trí chủ chốt và có mức độ ảnh hưởng lớn tại địa phương.

Dự thảo đưa ra việc biểu quyết tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”.

Về vấn đề này, ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) cho biết, không nên đề ra nhiều mức độ mà chỉ nên quy định hai mức độ “tín nhiệm” hay “không tín nhiệm” bởi thực chất việc bỏ phiếu tín nhiệm là để thẩm tra ĐB đó có đạt được mức độ tín nhiệm hay không.

Còn ĐB Phạm Văn Tam (Hà Nam) lại cho hay, không nên đưa ra mức độ “chưa có ý kiến” vì đã là ĐBQH thì cần phải đưa ra chính kiến và không có ĐB nào tự đánh mất đi quyền được giám sát của mình.

Phần lớn các ý kiến của ĐB đều đồng ý việc lấy ý kiến tín nhiệm nên diễn ra vào cuối năm và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm là từ năm thứ hai của nhiệm kỳ.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đưa ra ý kiến cần bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay đối với các ĐB không đạt được sự tín nhiệm, mà không cần đợi đến cuộc họp khác.

ĐB Phạm Minh Tấn (Đắk Lắk) cho hay đây là lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt nên cần làm thí điểm, sau đó nếu thấy làm tốt thì mới nhân rộng mô hình.

Đình Quân (TN)