Bà mẹ anh hùng

Tin tức - Ngày đăng : 14:16, 11/11/2012

Ngày 29-8-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

59 năm về trước, ngày 11-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Bà mẹ Anh hùng” đăng trên báo Cứu Quốc, số 2466, biểu dương các gia đình có từ 3 - 5 con đi bộ đội được Chính phủ tôn vinh. Với trường hợp một bà mẹ ở Việt Bắc có 9 con đi bộ đội, Bác tặng câu thơ: “Cả nhà kháng chiến/Muôn thuở rạng danh/Nêu gương dân tộc/Việt Nam quang vinh”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên khắp cả nước, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống xâm lược Pháp và Mỹ, đã xuất hiện các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng vạn, hàng nghìn anh hùng, liệt sĩ là nữ mà tên tuổi của họ còn ghi mãi trong sử vàng dân tộc. Cảm nhận sâu sắc công lao to lớn của những bà mẹ Việt Nam, nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1966), Bác Hồ nói: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ hai miền Nam - Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Người nêu ví dụ, mẹ Suốt ở Quảng Bình đã xông pha bom đạn, suốt ngày đêm chèo thuyền đưa bộ đội và cán bộ qua sông để chiến đấu. Mẹ Đích ở Thái Bình đã cho cả 4 con trai và một con rể vào bộ đội...


Phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm suy tôn, tri ân những bà mẹ đã hy sinh thầm lặng, hiến dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú. Ngày 29-8-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 17-12-1994, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu tiên cho gần 20 nghìn bà mẹ trong cả nước, trong đó có các bà mẹ tiêu biểu: Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) có 9 con đẻ, 1 rể, 2 cháu ngoại là liệt sĩ, mẹ Phạm Thị Ngư ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận (Bình Thuận) có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, mẹ Trần Thị Mít ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) có 9 con là liệt sĩ…

Thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi còn mắc món nợ lịch sử trước những giọt nước mắt của những bà mẹ có con hy sinh cho Tổ quốc. Với các mẹ, có lẽ không có chuông vàng khánh bạc nào đáng quý hơn khi đi gần hết đời người, vượt qua bao phong ba bão táp của lịch sử, nhìn cháu con trưởng thành, giỏi giang, hiếu thảo và hạnh phúc, cùng kề vai xây dựng, phát triển cơ đồ tổ tiên để lại.

PHƯƠNG DUNG (biên soạn)