Cán bộ thanh tra như cái gương...

Tin tức - Ngày đăng : 22:16, 13/11/2012

Tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, Bác Hồ đã đến dự và phát biểu: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”...

Cách đây 67 năm, ngày 13-11-1945, tại cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu về công tác thanh tra: “Các bộ trưởng có thể chia nhau mỗi người đi thanh tra một khu gần Hà Nội, Bộ Nội vụ sẽ khảo cứu và lập một chương trình về việc này. Có nhiều việc thụt két ở một vài công sở. Mỗi bộ có trách nhiệm điều tra và đề nghị với Chính phủ nghiêm trị những người làm bậy”.

Sinh thời, Bác Hồ và Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác thanh tra. Sau khi thành lập Ban Thanh tra đặc biệt ngày 23-11-1945, Người đã ký Sắc lệnh cử cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Chánh nhất Toà thượng thẩm Hà Nội - một nhân sĩ nổi tiếng và ông Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh nông - một trí thức trẻ có năng lực vào Ban Thanh tra đặc biệt.

Tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, Bác Hồ đã đến dự và phát biểu: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. “Nếu Trung ương Đảng, Chính phủ có nghị quyết, chỉ thị đưa về các ngành, các địa phương, kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương nào làm tốt, làm vừa, làm xấu; có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết; trên không thấu dưới; dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, chỉ thị, chính sách đó, các địa phương đã chấp hành thế nào”.

Bác khẳng định: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Người căn dặn: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì sẽ củng cố được lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”. Người căn dặn: “Các cô, các chú phải làm thế nào đừng để nhiều thư khiếu nại gửi thẳng đến Bác, vì các địa phương giải quyết không tốt nên họ phải đưa đến Bác”.

Người đã chỉ rõ: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. Để làm gương cho người ta soi thì cán bộ thanh tra phải thực sự có tài năng và đạo đức cách mạng trong sáng. Người khẳng định: Thái độ của người cán bộ thanh tra là kiểm tra phải cẩn thận. Nghe không được thiên lệch, nghe một bên, nên nghe người này, nghe người kia. Phải khách quan. Chớ do ý muốn và suy đoán chủ quan của mình. Thanh tra muốn biết, muốn thấy, muốn hiểu rõ sự thật ở cơ quan, ở địa phương nào đấy phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hỏi.

Trong tình hình hiện nay, những lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ thanh tra nói riêng phải trở thành kim chỉ nam cho việc rèn luyện đạo đức, tác phong của người cán bộ thanh tra và của cả ngành thanh tra.

QUANG MINH
(biên soạn)